Hiến kế phục hồi hệ sinh thái biển: Tái tạo bằng rạn nhân tạo
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 13:23, 13/07/2016
Chúng ta có thể dùng phương pháp nhân tạo tạo các rạn để khôi phục nguồn thủy sinh vật. Nông nghiệp Việt Nam đã ghi lại ý kiến của ThS Nguyễn Trọng Lương, Viện KH&CN Khai thác thủy sản, Đại học Nha Trang.
Với công nghệ khai thác hiện đại thì các loài thủy sản trên các đại dương dù sống ở gần bờ hay xa bờ, tầng mặt, tầng giữa hay tầng đáy và thậm chí là sống trong bùn, hang đá, đều bị con người đánh bắt triệt để. Mặt khác việc khai thác hải sản quá mức mang tính hủy diệt không những phá vỡ cân bằng sinh thái mà còn hủy hoại nơi cư trú của các loài thủy sản, làm giảm khả năng bổ sung nguồn lợi tự nhiên.
Để hạn chế sự tác động của con người lên nguồn lợi sinh vật biển, các nước trên thế giới đã áp dụng đồng thời nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó, rạn nhân tạo là giải pháp kỹ thuật được các nhà khoa học và quản lý đánh giá rất cao trong việc bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Rạn nhân tạo được hiểu là xây dựng “nhà” trong một khu vực ở biển cho cá đến sinh sống bằng những vật thể tự nhiên hoặc do con người tạo ra và thả xuống đáy biển nhằm thay đổi điều kiện vật lý, hải dương, tạo nơi dưỡng cư tập trung cá và tạo giá thể để khôi phục san hô. Qua nghiên cứu chúng tôi được biết các nước trên thế giới xây dựng rạn nhân tạo tiến hành từ rất sớm và đã có rất nhiều nước làm để tái tạo nguồn thủy sản.
Rạn nhân tạo có thể sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau, xây dựng bằng các toa tàu, xe hơi cũ đánh đắm, tàu đắm, đá, cây cối thậm chí cả lốp xe. Tuy nhiên, đa phần rạn được xây dựng bằng các khối bê tông đúc sẵn với khoảng trống phù hợp cho sinh vật biển cư trú.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hình dáng, kết cấu, vật liệu tạo rạn nhân tạo có ảnh hưởng rõ rệt đến sự thu hút sinh vật đến sinh sống tại khu vực rạn. Trong đó, rạn quy mô lớn thường có nhiều cá thể có kích thước lớn đến sinh sống và phát triển.
Vì vậy, khi xây dựng rạn nhân tạo cần tăng cường sự phức tạp của hình thái khối rạn nhưng phải phù hợp với kích thước của các đối tượng cần thu hút và bảo vệ.
Còn tại Việt Nam, nghiên cứu ứng dụng rạn nhân tạo tập trung chủ yếu vào phục hồi hệ sinh thái rạn san hô. Năm 2003, Viện Hải dương học tiến hành thử nghiệm di trồng san hô sống trên giá thể cứng (rạn nhân tạo bằng bê tông) tại Hòn Ngang, tỉnh Bình Định.
Năm 2006 – 2008 tiến hành di trồng san hô sống trên 200 giá thể rạn nhân tạo bằng bê tông tại Núi Thành (Quảng Nam). Kết quả thử nghiệm san hô trồng trên các giá thể rạn sau 1 năm cho thấy san hô phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 82,5% và mức độ phát triển khoảng 5 – 6 cm/năm.
Kết quả nghiên cứu này khẳng định việc thả rạn nhân tạo là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm phục hồi và tăng cường nguồn lợi hải sản. Rạn nhân tạo được thả xuống biển làm giá thể rất tốt cho san hô sống bám và phát triển trong điều kiện rạn san hô ở vùng đó đang bị suy thoái hoặc bị chết do trầm tích.
Ngoài ra, rạn nhân tạo còn là nơi sinh cư lý tưởng cho các loài sinh vật biển sống bám như nhuyễn thể, da gai, sao biển, hải sâm… và các sinh vật biển khác như cá rạn, giáp xác đến sinh sống trong vùng rạn hoặc ẩn tránh kẻ thù.
Năm 2006, Viện Hải dương học tiếp tục thử nghiệm trồng phục hồi một phần rạn san hô ở khu bảo tồn Hòn Mun (vịnh Nha Trang). Kết quả cho thấy rạn nhân tạo đã góp phần quan trọng trong việc tạo dựng nền tảng cho san hô phát triển. Đến nay, rạn san hô đã phủ kín các nền rạn nhân tạo ở khu bảo tồn Hòn Mun. Chính vì thế, đa dạng sinh học được phục hồi và phát triển tốt. Năng suất khai thác cá quanh khu vực này tăng lên.
Còn chà (hiểu nôm na là tạo mái che cho các loài sinh vật) kết hợp rạn nhân tạo ở Việt Nam theo chúng tôi được biết đã có lịch sử 200 năm, bắt đầu từ lúc nghề khai thác hải sản sử dụng chà tập trung cá. Các rạn được sử dụng có quy mô nhỏ, chủ yếu được xây dựng bằng các vật liệu sẵn có ở địa phương như lá dừa nước, gỗ, tre, chà là… nhằm thu hút và tập trung cá để đánh bắt. Phương pháp này được sử dụng phổ biến ở vùng biển miền Trung, sau đó di nhập và phát triển ở các tỉnh Nam bộ.
Năm 2011 – 2013, chúng tôi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng bãi cá nhân tạo tại Ninh Thuận nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản”. Nghiên cứu đã sử dụng 300 rạn nhân tạo bằng bê tông (200 rạn hình trụ tròn và 100 rạn hình lập phương) xây dựng thành công một bãi cá nhân tạo.
Bãi cá nhân tạo được thiết lập trên cơ sở 4 cụm với diện tích lắp đặt rạn nhân tạo đạt gần 2.000m3, diện tích vùng nước được hệ thống rạn bảo vệ khoảng 4.000m2, phạm vi ảnh hưởng ước đạt 3ha.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, việc ứng dụng rạn nhân tạo để bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi tại vùng biển Hòn Đỏ (Ninh Thuận) đạt hiệu quả rất cao, số lượng loài sinh vật trong bãi cá nhân tạo tăng từ 89 lên 98 loài so với trước khi xây dựng bãi cá nhân tạo. Mật độ sinh vật trong bãi cá nhân tạo tăng lên nhanh so với trước khi xây dựng, thiết lập lại bãi đẻ. Ngoài ra, mật độ sinh vật trong vùng biển cũng được tăng lên đáng kể và có khuynh hướng tăng theo thời gian thiết lập bãi cá.
Bên cạnh đó, từ năm 2013 – 2015 chúng tôi triển khai dự án chà kết hợp rạn nhân tạo tại vùng biển ven bờ xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam với quy mô bao phủ nền đáy 382.500m2.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau 5 tháng, số lượng loài tăng từ 45 lên 73, mật độ tăng từ 272 lên 1.812 cá thể/400m2 ở mặt cắt ngang; xung quanh khu chà – rạn số lượng loài tăng từ 45 lên 64. Ngoài ra san hô mềm và rong bắt đầu phát triển trên các rạn nhân tạo, tạo môi trường tốt cho các loài thủy sản sinh sản và phát triển.
Tóm lại, thả rạn nhân tạo để phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, đa dạng sinh học, phục hồi nguồn lợi sinh vật ở Việt Nam đã được thử nghiệm và đạt được nhiều kết quả rất tốt. Rạn nhân tạo được ứng dụng chủ yếu vào công tác phục hồi nguồn lợi san hô. Ngược lại, đối với chà – rạn nhân tạo thì mục tiêu chủ yếu để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Và chúng ta có thể tạo các bãi rạn nhân tạo ở độ sâu 50 – 70m nước. Tại các tỉnh ven biển miền Trung bị sự cố vừa qua hoàn toàn có thể tạo các bãi rạn nhân tạo để khôi phục nguồn lợi thủy sản.
(Theo Nongnghiep.vn)