Phương án thi THPT quốc gia mới: Thi trên máy tính, tổ chức nhiều đợt trong năm?
Giáo dục - Ngày đăng : 02:00, 26/09/2019
Tại cuộc họp bàn về lộ trình đổi mới thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ thi THPT quốc gia sau nhiều năm triển khai đã đáp ứng được yêu cầu thi cử gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh và xã hội. Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT quốc gia của các trường ĐH-CĐ đã diễn ra thuận lợi, phù hợp với yêu cầu chất lượng đầu vào của các trường, các ngành.
Lộ trình thực hiện phương án thi, tuyển sinh được xác định, trong giai đoạn 2021-2025 cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi, nhất là phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập của các nước trên thế giới như ETs, ACT… đối với Việt Nam thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và triển khai đánh giá năng lực ngoại ngữ theo bậc 6 của Việt Nam là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Bộ GD&ĐT cam kết phương án thi THPT quốc gia sau 2020 đảm bảo không xáo trộn.
Đối với phương thức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng quy định của Bộ GD-ĐT. Kết quả đợt thi nào cao nhất sẽ được chọn để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Về tổ chức kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo chung, ban hành quy chế, kiểm tra, thanh tra, giám sát, chủ trì chấm trắc nghiệm. UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi tại địa phương mình. Các trường đại học được Bộ điều động tham gia các khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi, chấm thi, phúc khảo…
Mặt khác, các bài thi tổ hợp sẽ được giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, từng bước hoàn thiện bài thi tích hợp phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Mỗi bài thi tổ hợp khi chấm chỉ cho ra một đầu điểm duy nhất, không còn bốn đầu điểm như hiện nay (ba đầu điểm môn thành phần và một đầu điểm của cả bài thi).
Sau năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Phương thức thi trên máy tính sẽ được Bộ công bố trước 1 năm (phương thức tổ chức, nội dung thi, hình thức thi….) để phụ huynh và học sinh chủ động ôn tập, chuẩn bị tham gia kỳ thi.
Mộc An (t/h)