Hà Nội: Cô giáo trẻ lan tỏa tình yêu môi trường đến với học sinh
Giáo dục - Ngày đăng : 09:15, 20/11/2019
Cô giáo Vũ Bích Phương – Giáo viên môn Sinh học, Trường trung học cơ sở Dịch Vọng, quận Cầu Giấy vừa được vinh danh là 1 trong 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2019, đồng thời được vinh danh là “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”.
Cô giáo Vũ Bích Phương trong một tiết học
Nhà giáo đam mê và sáng tạo
Luôn được biết đến với những tiết học đầy sức sáng tạo và gắn với thực tiễn, cô giáo trẻ Vũ Bích Phương đã có tác động tích cực lan tỏa trong phong trào dạy tốt, học tốt ở Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng nói riêng và ngành giáo dục của Thủ đô nói chung. Cô luôn tìm tòi cải tiến và nghiên cứu các phương pháp, kĩ thuật dạy học mới để có những tiết học thú vị, đặc biệt lan tỏa tình yêu môi trường đến với học sinh.
Cô Phương luôn quan tâm đến vấn đề môi trường. Các tiết dạy của cô giáo trẻ được soạn theo hướng tích hợp để cung cấp thêm thông tin và giáo dục học sinh về ý thức bảo vệ môi trường.
Sau nhiều năm giảng dạy, cô Phương đã nghiên cứu và phát triển: “Dự án chống biến đổi khí hậu bằng việc làm thiết thực” với hơn 3000 người theo dõi và tham gia. Dự án này được nữ giáo viên trẻ triển khai với mong muốn thể hiện sự đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy trực tuyến; đồng thời, lan tỏa trong cộng đồng thông điệp bảo vệ môi trường, đặc biệt về vấn đề biến đổi khí hậu trái đất. Từ đó, giúp học sinh hoàn thiện các kỹ năng, có những hoạt động đóng góp với cộng đồng cũng như có trách nhiệm đối với môi trường sống của mình. Dự án được thực hiện trong cả dịp hè, giúp các em có sân chơi lành mạnh và vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế.
Được biết, “Dự án chống biến đổi khí hậu bằng việc làm thiết thực” được chia gồm 3 giai đoạn, qua từng giai đoạn, các học sinh nắm được khái niệm về biến đổi khí hậu, tìm ra nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục thông qua những kiến thức đã học ở chương trình Sinh học lớp 6. Trong đó, dự án tập trung nhất ở những biện pháp giúp học sinh nắm được vai trò to lớn của thực vật; giúp các em bước đầu sử dụng công nghệ thông tin trong việc học tập trực tuyến cũng như các kỹ năng của thế kỷ 21 như làm việc nhóm, tìm tài liệu phân tích và tổng hợp, đánh giá lên mục tiêu.
Trong khuôn khổ dự án, cô Phương còn tổ chức các hoạt động vì cộng đồng, bán các sản phẩm tái chế của chính học sinh làm và tạo thành nguồn vốn cho các hoạt động tuyên truyền. Ở giai đoạn này, dự án nhận được sự quan tâm lớn của các học sinh trong trường, sự ủng hộ của Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo và phản hồi tích cực của phụ huynh học sinh. Không chỉ mở ra một không gian kiến thức, cô giáo Vũ Bích Phương còn truyền cảm hứng cho học sinh biết yêu và bảo vệ môi trường từ những việc làm thiết thực. Việc làm của cô Phương cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Ban Giám hiệu nhà trường từ việc làm mát, làm đẹp sân trường bằng vườn treo các loại cây đầy màu sắc, đến các hoạt động ngoại khóa về chống biến đổi khí hậu, duy trì và phát triển các việc có ích cho môi trường học tập ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
Đặc biệt, cô Phương bắt đầu công tác tại trường từ năm 2013. Chỉ sau 2 năm về dạy tại trường, cô đã được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp. Để quản lý giáo dục học sinh được sát sao và hiệu quả, năm học 2015 – 2016, ngay năm đầu tiên đảm nhận công tác chủ nhiệm, cô Vũ Bích Phương đã ứng dụng thành công phần mềm MS One note. One note được hiểu như một quyển sổ online. Nếu như gửi mail sẽ thường bị lẫn, khó tìm kiếm hoặc trên Zalo sẽ bị trôi thông tin thì trên One note, cùng một lúc sẽ có nhiều người làm được mà không bị lẫn.
Một ưu điểm của One note chính là giáo viên có thể kiểm soát được chính xác thời gian và đối tượng đưa thông tin lên. Đây là một dạng sổ liên lạc online, mỗi môn sẽ do một cán sự lớp quản lý, đưa thông tin lên. Các phụ huynh có thể truy cập và xem bài tập, hướng dẫn làm bài của các môn học, từ đó quản lý, nắm bắt và phối hợp tốt hơn với giáo viên để kèm cặp con mình khi ở nhà. Việc này giúp ích rất nhiều cho các học sinh yếu, kém và học sinh học hòa nhập”, cô Phương cho biết.
Cô giáo Vũ Bích Phương trình bày trước Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo
Hiểu để gần gũi nhau hơn
Bên cạnh đó, mặc dù là giáo viên dạy môn Sinh học nhưng khi nhận thấy học sinh lớp mình làm chủ nhiệm bị yếu môn học nào, cô Phương liền tìm hiểu lý do, rồi tự giảng bài cũng như kết nối với các giáo viên bộ môn khác để bổ sung kiến thức cho học sinh. Nữ giáo viên chia sẻ: “Thực sự, tôi coi các học sinh cũng như con của mình. Do vậy, khi nhìn các học trò của mình đuối hoặc mất căn bản ở bất kỳ môn học nào thì tôi còn cảm thấy không yên lòng. Mọi vấn đề tôi đều đem ra mổ xẻ để tìm nguyên nhân từ cả hai phía giáo viên và học sinh. Để khắc phục sự việc, tôi luôn yêu cầu sự vào cuộc tự giác của học sinh bằng cách đưa ra những giải pháp khơi dậy sự hứng khởi đối với môn học”.
Mọi kiến thức tưởng chừng khô khan, khó nhằn trong sách vở luôn được cô Phương đưa đến gần hơn với học sinh bằng những minh họa thường gặp trong cuộc sống. Không chỉ là những hiện tượng vật lý như tại sao tóc lại mềm khi dùng dầu xả, tại sao nắm bọt biển lại tung bay khi mở bàn tay ra, học sinh của cô Phương còn được tiếp cận những kiến thức về quản lý tiền, đầu tư sao cho có lợi khi thực hiện một số dự án. “Khi học sinh triển khai và tự chịu trách nhiệm với công việc được giao và với mỗi bài học sát thực tế như vậy, các học sinh trưởng thành hơn, biết cân đối và phát huy khả năng, sở trường của mình” cô Phương chia sẻ.
Nhiều học sinh có tố chất đặc biệt của Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng đã được cô Bích Phương phát hiện và khuyến khích các em phát triển năng lực cá nhân. Do vậy, các em đã mạnh dạn tham gia vào các kỳ thi và đạt được những thành tích như 3 học sinh đạt giải Hội thi Tin học trẻ không chuyên năm học 2015 – 2016; thi tích hợp liên môn; thi học sinh giỏi môn Khoa học. Học sinh của Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng còn giành Huy chương Vàng quốc tế cuộc thi Khoa học LAB – Learning Across Borders…
Không chỉ giỏi trong công việc chuyên môn, cô Phương cũng rất quan tâm đến đời sống, tâm tư, tình cảm của học sinh. Cô tâm sự những năm gần đây khi được phân làm chủ nhiệm các lớp, việc đầu tiên của cô không phải là ôn tập kiến thức mà dành trọn thời gian để làm quen với các em. Cô đặc biệt quan tâm đến những học sinh cứng đầu, những học sinh có tính cách đặc biệt. Cô tìm hiểu về các em nhiều hơn những bạn khác, qua bạn bè cùng lớp, qua giáo viên đã dạy các em và qua chính những lần cô trò ngồi nói chuyện trực tiếp.
Điều cô nhận ra rằng, tất cả đều có lý do, có em thì xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, từ việc thay đổi môi trường, điều kiện sống, có em xuất phát từ những mối quan hệ bạn bè… và quan trọng đằng sau sự cứng đầu khó bảo kia, đằng sau ánh mắt bất cần kia là những trái tim ấm để cảm nhận tình yêu thương từ những người xung quanh.
Theo cô Phương, giáo viên cần có cái nhìn bao quát lớp, tìm hiểu hoàn cảnh học trò, có hành vi nhân ái, thương yêu, sẻ chia và phải cho học sinh cảm nhận được sự yêu thương của thầy cô. Với cô, sai sót của học trò giống như “làm bài trắc nghiệm”, tô bằng bút chì, sai thì sửa.
Thùy Dung (T/h)