“Người đi trong bão” ra mắt “Bão lòng”: Nỗi đau hóa ngọc!
Giáo dục - Ngày đăng : 04:33, 23/12/2019
– Chúc mừng anh nhân dịp ra mắt đứa con tinh thần mới. Có vẻ anh thích viết về bão bởi trước đây là “Người đi trong bão” bây giờ là “Bão lòng”?
Khi viết Bão lòng, mặc dù toàn tâm hướng đến bình an, nhưng tôi cứ nghĩ đến bão. Tôi bị ám ảnh bởi hai hình ảnh. Một là, đại bàng cần bão để ngược gió, tung cánh bay cao trên bầu trời. Nó thích bão!
Hai là, con ngọc trai dùng máu của mình để bọc cái gai trong lòng, ôm ấp nỗi xót đau ấy cho đến khi nó hóa thành viên ngọc. Viên ngọc trai, thứ trang sức mà con người ưa thích, chính là nỗi đau đớn của con trai được hóa ngọc.
Bão đời, bão lòng có ý nghĩa sâu sắc như vậy. Đại bàng thích bão, thuận theo bão để thỏa chí bay cao. Ngọc trai ôm ấp, vuốt ve nỗi đau để nó hóa thành ngọc. Đây là triết lý sống sâu sắc có sẵn trong tự nhiên.
Nhà báo Lê Anh Đạt. (Ảnh: nhiếp ảnh gia Nguyễn Tiến Luyến)
– Đi trong bão đời, bão lòng cũng là cách tìm ra chìa khóa để đến với ngồi nhà bình an?
Chính xác là như vậy! Trong thiên nhiên, bão luôn hiện hữu, dù chúng ta không mong muốn. Trong đời người cũng vậy, bão lòng luôn thổi qua những kiếp con người, mặc dù không ai muốn có khổ đau!
Bão có khả năng làm lung lay hoặc gãy đổ những gì không chắc chắn và thiết lập lại những “trật tự mới” chắc chắn hơn, bình an hơn.
Bão cũng có những mặt tích cực. Nếu không có bão, không ai xây nhà kiên cố, đắp đập, che chắn các công trình. Nếu không có đau khổ trong đời, không ai biết trân quý hạnh phúc hiện hữu hằng ngày.
Bão của tự nhiên cũng như bão của cuộc đời là quy luật. Không chống được bão. Bởi vậy, sống trong bão, sống trong khổ đau thuận theo nó để tìm ra bình yên, hạnh phúc. Phải hóa giải, chuyển hóa bão thành bình an!
Cách sống của chim đại bàng và con ngọc trai là thuận theo bão, thuận theo nỗi đau khổ để chuyển hóa nó thành lợi thế, thành hạnh phúc.
Bìa sách “Bão lòng”.
– “Bão lòng” là những câu chuyện từ nỗi đau khổ của anh và của những nhân vật gần gũi với anh?
Đúng vậy. Tuy nhiên, cũng chẳng cần đi sâu vào số phận nào tôi cũng có thể nói rằng “đời là bể khổ, lòng người đầy bão tố”. Chẳng ai sống trên đời này mà không trải qua đau khổ. Cái này Phật chỉ ra như một chân lý.
Bão lòng là những cơn sóng của nội tâm, khiến cuộc sống chúng ta gặp phiền muộn, khổ đau. Tôi viết chuyện của mình, chuyện của người với những nỗi thống khổ nó từng xảy ra rất khủng khiếp. Nhưng, như quy luật của bão, sau mỗi cuồng phong là mỗi lần bình yên.
Tôi rút ruột viết ra, viết bằng sự chia sẻ chân thành nhất, mong những con chữ đến được với ai đang có những khổ đau với hy vọng họ tìm được bình an cho cuộc đời mình. Toàn bộ sách là những cung bậc xé lòng, những cảm giác bình an, yêu thương…
Nhà báo Lê Anh Đạt bên cạnh anh Trần Khánh Phúc – người vượt lên hoàn cảnh.
– Trong phần đề tựa cuốn sách, anh viết, “nước mắt anh đã rơi xuống những con chữ…”?
Các nhân vật, các số phận quá gần gũi với tôi. Có những người là máu thịt của tôi. Những câu chuyện tôi viết ra, bạn đọc có thể chạm tay vào nỗi đau. Đối diện nỗi đau, không phải để buồn, tuyệt vọng, né tránh mà là chấp nhận, hóa giải để bình an.
Có những chuyện xảy ra lâu rồi nhưng nghĩ lại mắt vẫn đỏ hoe, lòng vẫn nghẹn lại, nước mắt cứ thế rơi. Nhưng là những giọt nước mắt ấm nóng chứa đựng sự yêu thương, trân quý cuộc sống đến tha thiết.
Nhà báo Lê Anh Đạt cùng một người phụ nữ có số phận không may.
– Anh mong muốn gì từ tập sách này khi nó tới tay độc giả?
Tôi viết ra và đợi nhân duyên của quyển sách với bạn đọc. Tôi hy vọng những ai đọc được những câu chữ này của tôi hãy đón nhận nó như tấm lòng của tôi. Tất cả những con chữ đều chứa đựng sự mong muốn mọi người bớt khổ đau, tìm được hạnh phúc cho mình.
Khi tôi cầm bút viết, tôi nhớ đến những khuôn mặt người thân, bạn bè. Tôi biết có những giai đoạn trong cuộc đời họ từng khổ đau, chới với không biết bám víu vào đâu để vượt qua. Thậm chí có những người tìm đến cái chết để giải thoát
Đối với những người hóa thành đất, thành bụi thì chỉ còn lại là sự yêu thương, nói gì cũng muộn. Cho nên trong quyển sách tôi cũng rút ra, nguyên tắc tránh đau khổ ân hận là phải thực hiện phương châm “yêu thương ngay và luôn”.
Đừng đợi khi thành đạt, hay dịp này, dịp nọ mới thể hiện tình cảm với người mình yêu quý. Phải là ngay và luôn!
Tôi từng đến thăm, chia sẻ với những người đau khổ vì mất người thân, vì bệnh tật, vì những thù oán, phản bội, thất bại trong đời… Những lúc như thế, tôi muốn nói, muốn động viên họ nhưng tôi lại bối rối chẳng biết bắt đầu từ đâu. Tôi viết quyển sách này thay lời muốn nói gửi đến với những người như thế.
Tác giả trong một chuyến từ thiện ở Hà Tĩnh.
– Anh có tin “Bão lòng” sẽ được đón nhận như “Người đi trong bão”?
Cứ để mọi việc tùy duyên. Đọc sách của nhau cũng cần có duyên. Tôi không dám khẳng định sách tôi hay, cái này để bạn đọc đánh giá. Tôi chỉ dám chắc điều này: Tôi viết bằng nỗi đau khổ của mình, bằng sự chân thành, bằng tất cả sự trân quý bạn đọc.
Cũng có thể nói nỗi đau của tôi được chuyển hóa qua những con chữ. Và tôi bình an. Tôi mong muốn các bạn được bình an.
Tôi có bạn bè thân thiết giúp đỡ các khoản chi phí in ấn nên tôi sẽ dành lượng lớn sách để tặng. Được tặng sách cho bạn bè là niềm vui. Tôi không viết sách vì lợi nhuận. Nếu quyển sách này sinh lời, tôi sẽ ủng hộ người nghèo khó, bệnh tật!
– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Theo VTC