Bộ GD-ĐT công bố kết quả phê duyệt sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 1 mới
Giáo dục - Ngày đăng : 00:30, 23/01/2020
Theo đó, cả 6 sách giáo khoa Tiếng Anh 1 đã được hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá “đạt”, sau khi rà soát, điều chỉnh để đảm bảo tính pháp lý đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt, trong đó có 2 sách giáo khoa Tiếng Anh 1 của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 sách giáo khoa của NXB Đại học Sư phạm, 3 sách giáo khoa của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM.
6 cuốn SGK Tiếng Anh lớp 1 này đều được tổ chức biên soạn từ các tác giả người Việt Nam, có tham khảo và sử dụng các nguồn học liệu các xuất bản phẩm từ các NXB nước ngoài, có sự tham gia cố vấn về chuyên môn của các chuyên gia là người nước ngoài và được các NXB Việt Nam thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Sau các môn học khác, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1
Bộ GD-ĐT cho biết, nhiều bản mẫu SGK có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam.
So với các sách giáo khoa khác, sách môn tiếng Anh có nhiều đặc thù, trong quá trình tổ chức biên soạn sách giáo khoa môn tếng Anh lớp 1, các tác giả đã nghiên cứu chương trình môn tiếng Anh theo chuẩn đầu ra của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tham khảo, sử dụng nhiều tài liệu của các tác giả uy tín trên thế giới đến từ các nhà xuất bản nước ngoài, các nhà xuất bản thực hiện việc liên kết, hợp tác đồng sở hữu bản quyền các xuất bản phẩm để được sử dụng các nguồn học liệu theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ GD-ĐT, như các môn học khác, SGK môn tiếng Anh lớp 1 phải trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt, khách quan, khoa học của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Hội đồng này, gồm các nhà giáo; cán bộ quản lý giáo dục; nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong số này có đến hơn 1/3 tổng số thành viên là giáo viên môn tiếng Anh đang giảng dạy tại các trường tiểu học ở các vùng miền đặc trưng của đất nước.
Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng công bố quan điểm chỉ phê duyệt sách giáo khoa có chủ biên là người Việt Nam. Không chỉ thế, người nước ngoài cũng sẽ không được quyền đứng tên tác giả sách giáo khoa sử dụng trong các nhà trường VN thời gian tới.
Giải thích thêm về điều này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết sách giáo khoa là sản phẩm đặc biệt nên chịu chi phối bởi nhiều luật, như Luật Xuất bản, Luật Giáo dục, luật Doanh nghiệp (liên quan tới sự kết hợp giữa các đơn vị xuất bản), Luật Sở hữu trí tuệ…
Chính vì thế, trong quá trình rà soát các luật liên quan để trình phê duyệt sách giáo khoa mới, có những vướng mắc ở sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 khiến Bộ GD-ĐT phải tham vấn ý kiến của một số bộ, ngành để đi đến quy định cụ thể, làm đúng luật, đúng thông lệ quốc tế.
Vì thế, các đơn vị xuất bản đã phải điều chỉnh để trình lại bản mẫu sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 1 vào tháng 12-2019.
Mai Anh (t/h)