Bộ GD-ĐT công bố chi tiết giảm tải chương trình cho học sinh các cấp
Giáo dục - Ngày đăng : 01:30, 02/04/2020
Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở thực hiện điều chỉnh nội dung dạy các môn học để phù hợp với thời gian của năm học 2019-2020. Tối 31.3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn 1125/BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020. Mục tiêu là giảm được từ 5-7 tuần so với chương trình hiện nay để đến 15.7 là kết thúc năm học.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc giảm tải chương trình không thực hiện cơ học, mà vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.
Ảnh minh họa
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh, không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được giảm bớt; các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự chọn, tự học.
Thử trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng ma trận đề thi THPT quốc gia, công bố đề thi tham khảo sau khi có chương trình được tinh giản, giảm tải. Đề thi minh họa đang được Bộ xây dựng trên cơ sở đồng bộ với việc tinh giản chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với việc đánh giá kết quả học tập của học sinh học qua internet, trên truyền hình, để đảm bảo công bằng cho học sinh, Bộ GDĐT thống nhất ý kiến việc kiểm tra định kỳ, cuối kỳ sẽ được thực hiện tại các nhà trường khi học sinh đi học trở lại.
Khi học sinh mới quay lại trường, các em sẽ được cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình. Đối với việc đánh giá thường xuyên thì trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách các môn học trực tiếp giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua nhiều hình thức như sản phẩm học tập, kết quả thực hành thí nghiệm…
Việc đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet, trên truyền hình phải đảm bảo công bằng, khách quan, trung thực, vì quyền lợi của học sinh.
Minh An