Trường mầm non ở vùng cao Sơn La bất ngờ lọt top đầu các dự án kiến trúc thế giới
Giáo dục - Ngày đăng : 03:30, 16/05/2020
Nhà trẻ Bó Mon nằm ở xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La là một công trình kiến trúc đơn giản nhưng hiện đại và hiệu quả ứng dụng cao. Trường Mầm non Bó Mon được đánh giá cao về tính sáng tạo nhưng vẫn mang dấu ấn một ngôi nhà truyền thống của người dân bản địa.
Nhận xét về kiến trúc này, tờ The Guardian đánh giá: “Đây là một ý tưởng đơn giản với mái nhà lớn, rủ bóng suốt cả ngày. Hình dáng cong lượn sóng của mái nhà tạo nên sự hài hòa với những ngọn đồi xung quanh. Một cái cây được ôm ở lối vào. Cấu trúc lượn sóng được thiết kế khéo léo nhưng vẫn đảm bảo tính thông gió”.
Nhà trẻ Bó Mon, xã Tú Nang, tỉnh Sơn La, Việt Nam.
Công trình này được nhóm kiến trúc sư và đơn vị thi công thực hiện trong hơn 1 năm với tổng diện tích là 237m2, đưa vào hoạt động từ tháng 6/2019.
Sau khi chính thức được đưa vào sử dụng, Trường Mầm non Bó Mon đã trở thành ngôi nhà cho gần 70 trẻ em người H’Mông và giáo viên cắm bản ở ba bản Bó Mon, Cayton, Cô Tông.
Đây là nơi để các bé có thể cùng nhau chơi đùa mà không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết.
Bên cạnh giá trị độc đáo về kiến trúc và văn hóa, ở công trình này, người xem còn thấy được tính sáng tạo và khả năng ứng phó với các tình huống thách thức bất thường.
Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động ngoài giờ, sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội truyền thống của dân tộc.
Ngôi trường trồng cây ở lối vào để xanh hóa không gian.
9 công trình khác nằm trong top 10 là: Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Helga de Alvear, Tây Ban Nha; công trình nhà ở nhân đạo Rizvi Hassan’s, Bangladesh; suối Tainan, Đài Loan; dự án nhà ở Mac, Tây Ban Nha; nhà khách Alex’s, Bỉ; nhà vườn đá, Beirut; điểm biểu diễn công cộng Emergency Scenery, Tây Ban Nha; giáo đường UHP, Paraguay; trường học Fass, Senegal.
Điểm chung của 10 công trình là màu sắc hiện đại pha trộn nét đẹp truyền thống, thiết kế ấn tượng, có khả năng thích nghi với môi trường và điều kiện tự nhiên.
Mai An