Bác bỏ đề xuất đưa sách giáo khoa vào mặt hàng do Nhà nước định giá
Giáo dục - Ngày đăng : 13:00, 15/07/2020
Tại phiên họp chiều 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.
Việc này được Chính phủ đánh giá là sẽ kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, tạo sự công khai, minh bạch về giá SGK.
Đại diện cơ quan thẩm tra tờ trình về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết SGK không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá.
Ảnh minh họa.
Theo đó, thẩm quyền quyết định giá SGK thuộc các đơn vị được cấp phép xuất bản sách nên thời gian qua, giá SGK ở mức khá cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí mua sách của phụ huynh và học sinh.
Do vậy, cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng này khi giá SGK chưa thực sự được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.
Theo ông Hải, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông có nêu chủ trương lớn là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK.
Do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết của Quốc hội và trái với nguyên tắc thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá.
Mặt khác, để đảm bảo mức giá phù hợp trong cơ chế thị trường, Chính phủ cần có cơ chế để mở rộng đối tượng được in ấn, phát hành SGK, bảo đảm có nhiều nhà cung cấp cùng sản phẩm, từ đó góp phần giảm giá bán sản phẩm.
Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học sách giáo khoa mới do hiệu trưởng các trường lựa chọn trong số sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Hiện học sinh cả nước dùng một bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một số sách Công nghệ giáo dục tiểu học của GS Hồ Ngọc Đại.
Mai An