Thầy cô vùng cao trèo đèo, lội suối cõng học sinh đến trường khai giảng
Giáo dục - Ngày đăng : 08:33, 05/09/2020
Chiều 2/9, cô Bùi Minh Khuyên cùng 5 thầy giáo của Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu lại di chuyển hơn 25 km vào bản Pha Bu để đón học sinh. Những con đường mòn nhỏ hẹp, vòng vèo qua những ngọn núi nay được thay thế bằng đường đất dễ đi hơn, nhưng chẳng thiếu những đoạn phải dắt xe vượt suối, sông.
Đón học sinh đúng thời điểm nước lũ từ thượng nguồn đổ về, dòng nước chảy siết khiến cô Khuyên rùng mình. Ngày bé, nữ giáo viên từng mấy lần chết hụt đều liên quan đến nước, nhưng từ ngày lên Lai Châu công tác, năm nào cô cũng phải lội sông, suối, vượt dốc để đón học sinh vì không đi không được. Đợi các thầy dắt hộ xe máy qua suối, hít một hơi thật sâu, nữ giáo viên bặm môi rồi thận trọng dắt học sinh bước qua.
Con đường đầy đá sỏi mà thầy cô của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ phải đi qua để đến đón học sinh
Vì cuộc sống khó khăn, muốn duy trì sĩ số lớp, các thầy cô giáo phải thường xuyên trèo đèo, lội suối về các thôn bản, vận động từng phụ huynh để đưa học sinh đến trường.
“Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày tựu trường, thầy cô trường Pa Ủ lại đi đến từng bản để vận động học sinh đi học sau thời gian nghỉ hè. Năm nay thầy cô đỡ hơn vì nước không quá lớn nên vẫn có thể đi bộ qua. Còn nhiều năm nước chảy siết không tài nào đi nổi, mọi người lại ngậm ngùi đi về chờ nước rút”, cô Khuyên kể.
Năm nay, cô và 5 thầy giáo phải di chuyển đến bản Pha Bu để đón 51 học sinh ra trường. Chiều 2/9 đón được 18 em, chiều 3/9 đón 11 em, mai cố gắng đón, vận động đủ 22 học sinh đến trường.
Đường xa lại hiểm trở, học sinh còn quá nhỏ để có thể tự đi, 6 thầy cô, 6 chiếc xe máy lại khởi hành đến các bản. Đến đoạn vượt suối, thầy cô dẫn học sinh đi trước, dắt xe máy qua sau rồi lại lên xe đi tiếp. Đến đoạn đường hiểm trở, cả thầy và trò lại xuống xe đi bộ.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ nơi cô Khuyên công tác có 578 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, được chia làm hai điểm trường chính với 400 học sinh, các điểm trường lẻ ở bản xa chủ yếu dạy học sinh lớp 1, 2 với hơn 100 học sinh. Hiện, toàn trường có 60 thầy cô làm công tác giảng dạy.
Theo lời cô Khuyên, cứ đến cuối tháng 8, thầy cô bắt đầu dọn dẹp lau chùi phòng học, bếp ăn, giặt giũ chăn màn thơm tho, rồi chuẩn bị quần áo, giày dép, đồ dùng học tập cho các em. Sau cùng mới đi đón học sinh trước ngày 5/9 để chuẩn bị khai giảng.
Mỗi học sinh được phát 2 bộ quần áo ngắn và dài tay. Đến cuối buổi học, các em được hướng dẫn cách giặt giũ, giữ gìn quần áo luôn sạch sẽ.
Ngoài ra, để học trò yên tâm ở lại trường, thầy hiệu trưởng còn thuê nhân viên là người La Hủ có uy tín ở các bản Hà Xi, Pha Bu, Ứ Ma, Nhú Ma… để các em cảm thấy quen thuộc.
“Mọi năm thầy cô cùng học sinh sẽ chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, nhưng năm nay nhà trường quyết định rút ngắn thời gian khai giảng, không tổ chức văn nghệ vì Covid-19. Học sinh sẽ được đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn tham gia nghi thức chào cờ rồi nhanh chóng di chuyển về lớp”, cô nói.
Nhắc đến những lần đi vận động học sinh, nữ giáo viên nói “buồn, vui, đau đớn” chẳng thiếu. Theo lời cô Khuyên, ngoài ngày tựu trường, cứ 2 hoặc 3 tuần cô lại đi vào bản để vận động học sinh đến trường. Một số em đến đón thì đi ngay, những chẳng thiếu những trường hợp “bỏ trốn” mỗi khi nhìn thấy thầy cô, thậm chí còn dùng gậy đánh trả khi được vận động đi học.
Nữ giáo viên kể, vào năm 2015 -2016, khi đến vận động gia đình cho con đi học lớp 1, lúc đang ngồi nói chuyện với phụ huynh, bất ngờ cậu học trò 6 tuổi lấy một cây gậy to bằng cổ chân lao đến, định đánh vào người cô nhưng may mắn bố cậu bé đã kịp thời kéo lại. Cây gậy đập thẳng vào lưng khiến cô bị bầm tím. “Lúc đó mình sợ lắm vì không nghĩ việc vận động học sinh đi học lại gặp phải phản ứng thái quá đến vậy. Nhưng nghĩ lại, các em vẫn chưa quen với việc đi học, chưa hiểu rõ môi trường giáo dục có rất nhiều điều hay. Vì thế việc vận động học sinh đến trường càng trở nên cần thiết hơn”, nữ giáo viên kể.
Học trò Pa Ủ ngày trở lại trường
Mùa mưa bão năm nay, căn nhà dựng của điểm trường Cò Lò bị phá hỏng, học sinh lớp 1, lớp 2 không có nơi đi học. Nhà trường đang vận động phụ huynh chuyển con đến điểm trường Trung tâm để kịp khai giảng. Nhưng do học sinh còn nhỏ, nhiều gia đình nhất quyết không để con đi xa, càng khiến cho việc dạy học trở nên khó khăn hơn.
Nhắc đến điểm trường Cò Lò, cô Khuyên thở dài: “Giờ chỉ mong có thể thay thế căn nhà dựng đã bị đánh sập bằng căn nhà xây để học sinh có cơ hội học tập tốt hơn”.
Càng gần đến lễ khai giảng, cô Khuyên càng bồi hồi, xúc động vì có thể cùng các em học sinh đón năm học mới, dù còn nhiều thiếu thốn. Năm nay, nữ giáo viên chủ nhiệm lớp 2. Cô hy vọng mỗi ngày lên lớp luôn có đủ học sinh, để không còn phải đi “bắt” hay vận động các em đến lớp mỗi tuần.
An Nhiên