Dược liệu trong nước chủ yếu nhập từ Trung Quốc
Y tế - Ngày đăng : 11:33, 09/07/2016
Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát chất lượng dược liệu và thuốc từ dược liệu trong thời kỳ hội nhập” vừa được Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương tổ chức (ngày 7 và 8-7) tại TP Cần Thơ, PGS.TS Đoàn Cao Sơn – viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, cho biết tình hình sử dụng dược liệu (thuốc y học cổ truyền) đang rất đáng lo ngại do chất lượng chưa được kiểm soát đầy đủ.
Hiện nay nhu cầu sử dụng dược liệu đông dược trong dân đang rất phổ biến để phòng và điều trị bệnh.
Dược liệu làm ra từ một số cơ sở khám chữa bệnh chỉ được kiểm tra bằng cảm quan nên rất thiếu tin cậy, nguồn gốc dược liệu không rõ ràng, dược liệu kém chất lượng hoặc làm giả; trộn hóa chất độc hại hoặc tân dược trong quá trình chế biến, bảo quản… vẫn diễn ra nhiều, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.
Kết quả kiểm tra chất lượng của hệ thống kiểm nghiệm cho thấy mỗi năm số mẫu thuốc đông dược và dược liệu không đạt chất lượng, bị giả mạo chiếm khoảng 10% trên tổng số mẫu được kiểm tra.
Tuy nhiên do nguồn gốc dược liệu không rõ ràng, sản xuất nhỏ lẻ nên việc kiểm soát rất khó do không có số lô, hạn dùng, khó thu hồi xử lý các thuốc đông dược khi phát hiện không đạt chất lượng.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Long – thứ trưởng Bộ Y tế – cũng cho biết mỗi năm ngành dược trong nước tiêu thụ khoảng 60 tấn dược liệu, nhưng dược liệu trong nước chiếm khoảng 10%, còn lại chủ yếu nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch với chất lượng không được kiểm soát hoàn toàn.
Về mặt quản lý, Bộ Y tế sẽ ban hành các văn bản về quản lý dược liệu riêng biệt với tân dược (hiện nay đang dựa theo các quy định về quản lý thuốc tân dược).
Đồng thời sẽ kết nối việc xây dựng các chất chuẩn, dược liệu chuẩn để xây dựng hệ thống dùng trong việc kiểm tra chất lượng dược liệu, đặc biệt đối với các dược liệu nhập từ Trung Quốc.
Theo Tuổi trẻ