Ai “chống lưng” cho các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn?
Y tế - Ngày đăng : 07:08, 20/11/2016
– Trong số báo tháng 8,9 Tạp chí Môi trường và Cuộc sống có đăng tải loạt bài về cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đá dùng liền vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội, sau khi tạp chí phát hành các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý tình trạng các cơ sở vi phạm trên. Bên cạnh đó, tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc về cơ sở sản xuất không phép, vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra công khai ngay tại quận Hoàn Kiếm, quận Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức. Sự việc trên, chỉ khi được người dân phản ánh và cơ quan báo chí vào cuộc thì sự việc mới dần được hé mở.
Vẫn còn nhiều vi phạm
Mới đây, UBND phường Mễ Trì đã yêu cầu cơ sở sản xuất nước đá viên dùng liền “Mạnh Tuấn” tại số nhà 19 ngách 14/126, tổ dân phố 3 Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội do ông Ngô Văn Thế làm chủ phải ngừng sản xuất vì đã vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công nhân cởi trần tham gia sản xuất tại cơ sở sản xuất thạch rau câu Anh Đức(xã Đắc Sở, Hoài Đức)
Qua thực tế, điều kiện sản xuất cơ sở chật chội, cửa ra vào của xưởng sản xuất đá viên và khu sinh hoạt đều đi chung một cửa, không có phòng thay đồ, công nhân tham gia sản xuất không được trang bị bảo hộ lao động, không có giá kệ để thành phẩm, máng đá không có nắp đậy. Cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm chưa được chứng nhận công bố hợp quy, công nhân chưa được khám sức khỏe và học tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vẫn ngang nhiên sản xuất và bán ra thị trường với số lượng lớn. Ngày 23/9, UBND phường Mễ Trì đã có buổi kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất đá dùng liền Mạnh Tuấn qua kiểm tra cơ sở đã không đủ điều kiện để sản xuất và gây ô nhiễm môi trường về tiếng ồn. Với công suất máy đá 20 tấn/ngày, vào những ngày thời tiết nắng nóng cơ sở sản xuất suốt ngày đêm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về tiếng ồn làm ảnh hưởng tới giấc ngủ cũng như làm đảo lộn cuộc sống của người dân xung quanh. Ủy ban phường Mễ Trì yêu cầu cơ sở dừng hoạt động sản xuất, bổ sung đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định VSATTP thì mới được đi vào hoạt động. Tuy nhiên, được biết hiện nay cơ sở đá dùng liền Mạnh Tuấn vẫn ngang nhiên sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ra thị trường bất chấp yêu cầu đình chỉ của chính quyền sở tại.
Tại cơ sở sản xuất thạch rau câu Anh Đức có địa chỉ tại thôn Chùa Ngụ, xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội điều kiện sản xuất cũng không có gì là khả quan so với cơ sở trên. Khi bước vào khu sản xuất thì chúng tôi bắt gặp cảnh sản xuất lộn xộn, bẩn thỉu, không theo quy định của Luật VSATTP với những chiếc thùng đựng nước bột cáu bẩn, vẩn màu loang lổ, thoạt nhìn, ai cũng cảm thấy ghê người. Nhà xưởng thì xập xệ, tường thì ẩm mốc, nền nhà xưởng thì ứ đọng nước nhầy nhụa, nơi sản xuất không được phân khu. Hàng đống thạch rau câu sản xuất xong được đổ tràn lan ra nền nhà xưởng mà không có giá kệ để thành phẩm, các nhân công làm việc tại đây không đeo găng tay, không mặc áo bảo hộ mà vô tư cởi trần sản xuất dẫm đạp lên sản phẩm. Phía ngoài, gần cửa ra vào là hàng chục tấn hàng đã đóng chặt trong các thùng carton đổ đống cao chất ngất.
Điều kiện sản xuất nước đá viên của Cơ sở đá dùng liền Vi Nam không đảm bảo ATVSTP
Những dung dịch màu vàng sền sệt nước được các bàn tay nhơm nhớm của các công nhân bóp, nặn và gom vào một cái thùng cũ, bám đầy cặn đen. Chỉ quan sát thông thường đã thấy những tiêu chuẩn về vệ sinh quang cảnh, trang phục người công nhân ở đây đã không đạt yêu cầu. được biết cơ sở sản xuất thạch rau câu Anh Đức cách UBND xã Đắc Sở có 200m, không hiểu lí do gì mà cơ sở này “chui lọt” tầm kiểm soát của UBND xã Đắc Sở cùng các phòng ban của UBND huyện Hoài Đức và đội quản lý thị trường số 24?
Ngoài ra, theo phản ánh của người dân tại thôn Chùa Ngụ, hiện nay UBND xã Đắc Sở đang tiếp tay cho các nhà xưởng xây dựng trái phép tràn lan, khiến người dân địa phương hết sức phẫn nộ. Vấn đề này UBND xã Đắc Sở và UBND huyện Hoài Đức có biết? Trách nhiệm đến đâu? Có hay không sự bao che tiếp tay cho các cơ sở sản xuất bẩn, xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường?
Chính quyền vòng vo?
Không chỉ dừng lại ở 2 cơ sở trên, Cơ sở sản xuất đá viên tinh khiết Vi Nam có địa chỉ tại số nhà 37, ngõ 301 Hồng Hà, Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. cơ sở này không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đã bị địa phương cho dừng hoạt động nhưng cơ sở vẫn cố tình sản xuất chui và bán sản phẩm ra ngoài thị trường thách thức các cơ quan chức năng.
Được biết, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã có hai lần tới thẩm định vệ sinh an toàn thực phẩm của của cơ ở Vi Nam vào ngày 23/2/2016 và 03/06/2016 nhưng cả hai lần cơ sở đều không đạt và không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Hai lần kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở đều vi phạm nhiều lỗi như: khu vực sản xuất có nhiều phế liệu, bố trí chưa theo nguyên tắc một chiều. Cơ sở sản xuất trong một không gian chật chội, dùng chung với khu vực sinh hoạt và lối đi lại của gia đình. Ngoài sản xuất nước đá dùng liền, theo chủ cơ sở cho biết, cơ sở sản xuất thêm nước uống đóng chai để phục vụ công trường và người dân, qua thực tế cơ sở sản xuất không phân khu riêng biệt, lộn xộn và mất vệ sinh, không có thiết bị chuyên dụng để vệ sinh vỏ bình, vỏ bình mang về được vứt lăn lóc dưới nền đất, công nhân sản xuất không được trang bị bảo hộ lao động. Thành phẩm đá dùng liền và nước đóng chai không được kê cao trên giá kệ mà tất cả đều để bệt xuống nền nhà xưởng rất bẩn, công nhân sản xuất không được trang bị bảo hộ lao động, máng đá không được trang bị nắp đậy han rỉ, tường nhà xưởng thì ẩm mốc, bong tróc…
Sự việc chỉ được làm rõ, khi phóng viên đặt lịch làm việc với lãnh đạo quận Hoàn Kiếm về Cơ sở đá dùng liền Vi Nam, khi đó lãnh đạo quận mới tá hỏa chỉ đạo phòng ban chuyên môn kiểm tra rà soát lại cơ sở. Tại buổi làm việc trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tuấn Long – Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, vấn đề này chúng tôi đã giao cho phòng, ban chức năng của Quận phối hợp với phường Phúc Tân xử lý và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4.000.000đ, bản đình chỉ cơ sở sản xuất cho đến khi nào cơ sở hoàn thiện đầy đủ giấy tờ theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới được sản xuất. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về trách nhiệm của Lãnh đạo quận khi để xảy ra cơ sở sản xuất vi phạm trên và đề nghị ông Long – Phó chủ tịch quận cung cấp biên bản xử phạt cơ sở thì lại vòng vo, trốn tránh không cung cấp và từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên? với câu hỏi chưa có lời giải đáp từ lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, dư luận vẫn đang hoài nghi về sản phẩm nước đá dùng liền Vi Nam và cách quản lý điều hành của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm?
Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc khi có kết qủa xử lý cơ sở vi phạm của các cơ quan chức năng trong số tiếp theo.
(Theo Hải Phong -Thu Thủy/ Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)