Mọi điều cần biết về vitamin K
Y tế - Ngày đăng : 14:12, 24/07/2016
(Moitruong.net.vn)
– Mặc dù ai cũng biết vitamin K là một loại vitamin tan trong chất béo rất cần thiết cho cơ thể, nhưng loại vitamin này giúp phòng ngừa những bệnh gì, thì không phải ai cũng biết.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Tầm quan trọng của vitamin K
Tại sao chúng ta cần vitamin K? Dùng bao nhiêu là đủ? Có thể nhận vitamin K từ thực phẩm không? Quá nhiều vitamin K gây rủi ro gì?… là những vấn đề mà không ít người quan tâm.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vai trò chính của vitamin K là giúp cho quá trình đông máu diễn ra tốt hơn và hạn chế lượng máu bị mất khi bị thương. Nếu cơ thể bị thiếu hụt vitamin K, máu sẽ không thể đông được và điều này có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, vitamin K còn có thể kết hợp với canxi giúp cho xương chắc khỏe. Thiếu vitamin K có thể gây ra bệnh loãng xương. Vitamin K cũng có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận. Do chế độ ăn, những người ăn chay là những người hấp thụ một lượng lớn vitamin K nên họ thường ít mắc các bệnh này. Hơn nữa, vitamin K còn được dùng để điều trị vết thương ngoài da.
Lấy vitamin K từ đâu?
Theo Webmd, vitamin K thực sự là một nhóm các hợp chất. Vitamin K1 được lấy từ rau lá xanh và một số loại rau khác. Trong khi đó, vitamin K2 là một nhóm hợp chất chủ yếu thu được từ các loại thịt, pho mát, trứng, và tổng hợp bởi vi khuẩn.
Thiếu vitamin K nguy hiểm ra sao?
Mức độ thấp của vitamin K có thể làm tăng nguy cơ chảy máu không kiểm soát được. Người lớn thường ít thiếu vitamin K, trong khi trẻ sơ sinh là nhóm đối tượng thiếu hụt vi chất này nhiều nhất. Mặc dù, ở người lớn thiếu vitamin K không phổ biến, nhưng nếu bị các điều kiện y tế như: bị một bệnh nào đó ảnh hưởng đến sự hấp thu ở đường tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc bệnh celiac, tác dụng phụ của một số loại thuốc làm cản trở khả năng hấp thụ vitamin K, suy dinh dưỡng nghiêm trọng, nghiện rượu, thì nguy cơ thâm hụt vitamin K là rất lớn.
Dùng bao nhiêu vitamin K là đủ?
Theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế, mọi người có thể nhận vitamin K từ thực phẩm gồm (các loại rau xanh, như rau bina, măng tây, bông cải xanh, các loại đậu, trứng, dâu tây, thịt) và bổ sung dưới dạng uống.
Trẻ em từ 0-6 tháng (2 microgam/ngày); trẻ em 7-12 tháng (2,5 microgram/ ngày); trẻ em 1-3 tuổi (30 microgram/ngày); trẻ em 4-8 tuổi (55 microgram/ngày); trẻ em 9-13 tuổi (60 microgram/ngày); thiếu niên 14-18 tuổi (75 microgram/ngày); phụ nữ từ 19 tuổi trở lên (90 microgram/ngày).
Rủi ro khi lạm dụng vitamin K
Thông thường, tác dụng phụ của vitamin K thông qua đường uống với liều khuyến cáo là rất hiếm. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc có thể can thiệp đến các tác động của vitamin K. Chúng bao gồm thuốc kháng acid, chống đông máu, thuốc kháng sinh, aspirin và các thuốc chống ung thư, động kinh, cholesterol cao
Do đó, không nên tự ý bổ sung vitamin K trừ khi được bác sĩ cho phép. Ngoài ra, những người sử dụng thuốc Coumadin để điều trị các vấn đề về tim, rối loạn đông máu hoặc các điều kiện y tế khác có thể cần phải xem lại chế độ ăn để kiểm soát lượng vitamin K đi vào cơ thể như thế nào cho hợp lý.
(Theo Thanh niên)