Ô nhiễm không khí đang tàn phá cơ thể như thế nào?

Y tế - Ngày đăng : 03:29, 24/12/2016

(Moitruong.net.vn)

Hiện nay, không khí ở nước ta đang bị ô nhiễm nặng nề, đây cũng là tác nhân gây nhiều bệnh, mà chúng ta không ngờ tới. Ô nhiễm không khí được cho là hiểm họa thứ 4 đe dọa sức khỏe con người.

Số ca bệnh hô hấp có xu hướng tăng

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí đang tác động và làm thay đổi một số mặt bệnh.

Tại Bệnh viện Phổi trung ương, mỗi ngày tiếp nhận 200 – 300 trường hợp khám chuyên khoa, và cũng số tương tự tại phòng khám đa khoa của bệnh viện, trong đó có tới 80% bệnh nhân đến khám về các bệnh hô hấp và con số ngày càng tăng lên hàng năm. Mặc dù vậy chưa thể khẳng định được vấn đề ô nhiễm môi trường là nguyên nhân khiến bệnh nhân đến khám hô hấp tại  bệnh viện gia tăng, vì còn có nhiều yếu tố khác tác động vào thực trạng này.

Thực tế, số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây cho thấy các bệnh nhân về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc, nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm không khí gây ra.

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác.

o-nhiem-moi-truong-khong-khi1gif

Nguy cơ mắc bệnh hô hấp, bụi phổi do ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn tăng cao

Ô nhiễm môi trường tác động đến nhiều bệnh lý đường hô hấp, trong đó phải kể đến nhiễm trùng hô hấp trẻ em, hô hấp người lớn, bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Theo nghiên cứu có khoảng 4,2% những người trên 40 tuổi, khoảng 1,5 triệu người  ở Việt Nam mắc COPD, hiện con số này chắc chắn đã tăng lên. Đáng lưu ý là bệnh COPD mắc cả ở những đối tượng không hút thuốc lá, chiếm khoảng 6% những người trên 40 tuổi trong nghiên cứu.

Mầm bệnh từ ô nhiễm không khí

Ô nhiễm tiếng ồn, nguồn nước, không khí bụi bặm không chỉ là nỗi ám ảnh của con người đang phải đối mặt, mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm.

Ngoài xâm nhập đường hô hấp, bụi còn văng vào mắt gây xốn, cộm, khó chịu, thậm chí bị trầy xước giác mạc nếu bụi có góc cạnh. Bụi đường còn gây ô nhiễm thực phẩm ở các hàng quán ven đường, cơ sở thức ăn đường phố, gánh hàng rong… nếu không được bảo quản tốt. Trong bụi có lẫn nhiều loại mầm bệnh có thể gây hại cho đường tiêu hóa như: Bệnh tiêu chảy cấp, tả, kiết lỵ, thương hàn, giun sán…

Chất ô nhiễm từ môi trường không khí sẽ làm tăng độc tố trong máu, độc tố ngấm trong máu gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp, từ đó gây nên các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim,…

Trong ô nhiễm môi trường một loại ô nhiễm phải kể đến đó là tự ô nhiễm ở những người hút thuốc, khói thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân gây bệnh COPD- ung thư phổi và nhiều bệnh lý khác. Ung thư phổi có nguyên nhân từ các vấn nạn ô nhiễm như khói bụi, hay tiếp xúc với các yếu tố gây ung thư…

Chủ động bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm

Các chuyên gia khuyến cáo để phòng bệnh hô hấp là tránh xa môi trường ô nhiễm, khi ra đường cần đeo khẩu trang, đeo kính để giảm bớt việc tiếp xúc với khói bụi ở môi trường.

Ngoài ra, cũng cần chú ý phải thở bằng mũi, tránh thở bằng miệng trong môi trường có bụi vì dễ khiến bụi vào phổi hơn, hạn chế nói chuyện, hò hét trong môi trường khói bụi. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi đi ngủ và khi tiếp xúc với bộ phận khác trên cơ thể. Không ăn uống lề đường, chọn thực phẩm sạch, không bị nhiễm bẩn. Hạn chế đi ra ngoài và thực hiện khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần

Theo Công Lý

Theo Công Lý