Chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị ho như thế nào?

Y tế - Ngày đăng : 23:00, 25/05/2017

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ khi bị ho đóng vai trò quan trọng giúp trẻ nhanh chóng phục hồi

(Moitruong.net.vn) – Với tiết trời thay đổi thất thường như hiện nay trẻ thường bị các bệnh về đường hô hấp trong đó có ho. Vì vậy, cha mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ tăng sức đề kháng để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp.

Việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ khi bị ho đóng vai trò quan trọng giúp trẻ nhanh chóng phục hồi. Bởi, theo chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm, khi bị ho, sốt trẻ thường mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm nên dễ dẫn đến chán ăn, ăn ít hoặc bỏ ăn. Nếu trẻ không chịu ăn như bình thường hoặc ăn ít hơn, cha mẹ có thể cho trẻ ăn thành nhiều bữa. Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý, không nên nấu loãng thức ăn hơn thường lệ vì điều đó khiến trẻ đã ăn ít lại càng bị thiệt thòi về chất dinh dưỡng. Vẫn duy trì cho mỡ, dầu vào bột hay cháo của trẻ ngay cả khi trẻ bị ho dẫn đến sốt hoặc kèm theo tiêu chảy.

Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị ho không nên ăn cua, tôm, thịt gà… Chính điều này làm nhiều cha mẹ thắc mắc, khi trẻ bị ho có cần kiêng ăn cá và đồ tanh? Đáp án được các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra là cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm khi trẻ đang bị ho để trẻ được thay đổi khẩu vị, trẻ ăn được nhiều, bổ sung nhiều dinh dưỡng thì sẽ mau khỏe hơn. Bởi, chưa có chứng cứ khoa học nào chứng minh, các loại thực phẩm như tôm, cua, cá và các đồ tanh khác gây ho cho trẻ. Cha mẹ chỉ cần hạn chế những món ăn xào, rán… có quá nhiều dầu, mỡ.

Khi bị ho, cơ thể trẻ rất cần ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như súp, cháo, sữa… Cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm, trong đó cần tăng thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C, giàu chất kẽm và chất sắt như: các loại thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ, hoa quả…

Đặc biệt, không nên cho trẻ ăn thực phẩm lạnh, uống nước, sữa lạnh hoặc quá nhiều các thực phẩm béo, ngọt, vị đậm. Cũng không nên cho trẻ ăn lạc, hạt dưa, chocolate bởi đây là nhóm thực phẩm chứa dầu, có thể làm tăng lượng đờm khi ăn. Đồng thời, không nên cho trẻ ăn quýt vì khiến cơ thể sinh nhiệt, sản sinh ra nhiều dịch đờm hơn.

Trẻ bị ho nhiều có thể nôn ra thức ăn vừa mới ăn xong kèm theo nhiều đờm nhớt, vì thế, trước khi cho trẻ ăn nên cho uống vài thìa nước, sau đó cho trẻ nằm sấp rồi vỗ về lưng trẻ nhằm giúp đờm nhớp không còn đọng ở cổ trẻ. Với cách này sẽ giúp trẻ đỡ ho và ăn bớt nôn. Những lúc bình thường, trẻ có thể ăn 6 lần/ngày nhưng lúc trẻ bị ho, cha mẹ cần chia thành 8 – 10 lần/ngày, mỗi lần ăn một ít. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý, khi trẻ đang ho, khóc không được ép trẻ ăn, uống, bởi việc làm này có thể dẫn đến việc trẻ hít vào phế quản thức ăn, nước uống, dẫn đến sặc, hóc dị vật và trẻ có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Linh Nhi

Linh Nhi