Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Y tế - Ngày đăng : 06:40, 14/06/2017
(Moitruong.net.vn) – Thức ăn đường phố là một trong những yếu tố hấp dẫn, tạo nên nét đặc sắc của đô thị. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, nhiều thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo các cơ quan chức năng, có đến 70% thức ăn đường phố không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy hại tới sức khỏe và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng.
Mà nguyên nhân gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố chủ yếu là do nguồn nguyên liệu bị nhiễm bẩn; điều kiện chế biến, bảo quản thực phẩm không đảm bảo an toàn; bày bán đồ ăn dưới lòng lề đường đầy khói, bụi, ruồi bọ, vi khuẩn…
Nếu ai đã từng nếm qua thức ăn đường phố, chắc chắn sẽ không xa lạ với hình ảnh chủ quán dùng 1 xô nước để rửa cả đống bát, đĩa, cốc… Với cách làm như vậy, liệu rằng, đồ dùng đựng thức ăn có đảm bảo sạch sẽ. Đó là còn chưa kể đến xuất xứ của các loại thức ăn đường phố được bày bán tràn lan, với các màu xanh, đỏ bắt mắt. Chính vì vậy mà nhiều người đánh giá, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo thống kê, ở Việt Nam, 94% thức ăn đường phố bị thả lỏng, không thể quản lý, giám sát. Bộ Y tế Việt Nam đã liên tục cảnh báo nguy cơ dịch bệnh từ thức ăn đường phố, tuy nhiên một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa quan tâm.
Hãy giúp người bán thức ăn đường phố bỏ thói quen dùng tay không chế biến thực phẩm và bốc đồ ăn cho khách
Để cải thiện tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố, một số ý kiến cho rằng, phải quản lý được nguồn gốc thực phẩm, không để tình trạng thực phẩm sạch thì xuất khẩu, còn để lại sản phẩm kém chất lượng cho người tiêu dùng trong nước sử dụng; Cũng như không để thực phẩm không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh đưa vào tiêu thụ tại nước ta.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tiến hành mở các lớp tập huấn cho những người buôn bán thức ăn đường phố về chế biến, sử dụng, bảo quản thực phẩm. Đặc biệt, giúp người bán hàng hình thành thói quen đeo găng tay khi chế biến thực phẩm, hoặc thay vì dùng tay không “bốc” thức ăn thì sẽ dùng kẹp, đũa để gắp.
Ngoài ra, cũng cần nâng cao ý thức của thực khách, giúp họ bỏ đi thói quen xấu “bán gì cũng ăn” bất chấp đồ ăn sạch hay bẩn. Hãy giúp họ trở thành những người tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn những loại thực phẩm an toàn, biết nói không với thực phẩm bẩn và biết đòi hỏi thức ăn sạch mà không cần “sang”… Có như vậy mới giúp tác động ngược trở lại người bán hàng, để người bán hàng “cung theo đúng nhu cầu”.
Tố Tâm