60% người Việt chưa biết kiểm soát đường huyết
Y tế - Ngày đăng : 04:05, 01/07/2017
(Moitruong.net.vn) – Đái tháo đường là một trong số những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế cao cho người dân Việt. Tuy nhiên, có gần 60% người Việt chưa biết kiểm soát đường huyết.
Theo PGS.TS Nguyễn Thy Khuê, Chuyên gia về đái tháo đường ở Việt Nam: Đái tháo đường là một trong số những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế ở người và đang trở thành gánh nặng y tế, kinh tế cho cá nhân và toàn xã hội. Ban đầu bệnh có diễn biến âm thầm nhưng nếu không được phát hiện vào điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não và bệnh lý tim mạch. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 5 triệu ca tử vong do đái tháo đường.
Tính đến cuối năm 2015, ở Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trong đó, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán vào khoảng 50%, tỷ lệ người chưa biết kiểm soát đường huyết ở Việt Nam lên đến gần 60%. PGS Nguyễn Thy Khuê – Chuyên gia về đái tháo đường ở Việt Nam chia sẻ, trên thực tế, số liệu này có thể gấp rưỡi, gấp đôi số người được báo cáo. Việt Nam nằm trong khu vực Tây Thái Bình Dương, tỉ lệ người bị đái tháo đường trước 60 tuổi chiếm đến 40 – 60%.
Cũng theo bà Khuê, căn bệnh này tạo gánh nặng kinh tế rất lớn cho các quốc gia. Hàng năm, thế giới tiêu tốn khoảng 825 tỉ đô la “đổ” vào điều trị bệnh đái tháo đường. Cụ thể, Trung Quốc hàng năm tiêu tốn khoảng 179 tỉ đô la, Mỹ tốn 105 tỉ đô la. Tại Việt Nam, số liệu năm 2007 là tốn khoảng 320 tỉ đô la/năm, dự kiến nếu không khống chế kịp thời, số bệnh nhân đái tháo đường tăng nhanh, số tiền mà nước ta phải chi trả cho đái tháo đường lên đến 1,1 tỉ đô la vào năm 2025.
GS.TS Thái Hồng Quang – Chủ tịch Hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam, mặc dù trình độ của cán bộ y tế và nhân viên trong khám chữa bệnh ngày càng cao, phương tiện điều trị ngày càng hiện đại, truyền thông về bệnh ngày càng phát triển, tuy nhiên việc điều trị bệnh nhân đái tháo đường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do vấn đề tự quản lý bệnh của bệnh nhân tại Việt Nam còn chưa tốt.
Vấn đề nâng cao nhận thức bệnh nhân tự quản lý bệnh kết hợp điều trị tích cực ngay từ những ngày đầu tiên kết hợp với việc sử dụng các thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đóng vai trò quan trọng trong cải thiện chất lượng và giảm chi phí điều trị.
Các chuyên gia khuyến cáo thêm, nam giới có vòng eo trên 90 cm, nữ giới vòng eo trên 80 cm thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh cao, do vòng eo lớn làm mỡ tảng gia tăng, liên quan đến tình trạng đề kháng insulin và có cơ chế bệnh sinh rất rõ với bệnh đái tháo đường. Nghiên cứu dịch tễ những năm 1990 cho thấy bệnh nhân đái tháo đường có chỉ số khối cơ thể (BMI) khoảng 23 và vòng eo xấp xỉ 90 cm với nam và 80 cm với nữ, nhưng hiện nay thì bệnh nhân đái tháo đường mập hơn, BMI khoảng 25 và vòng eo lớn hơn nhiều.
Ly Ly (TH)