Tích cực tuyên truyền để người dân phòng và chống dịch sốt xuất huyết

Y tế - Ngày đăng : 22:45, 18/08/2017

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại cuộc họp

(Moitruong.net.vn) – Sáng 18/8, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP, đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người TP để nghe báo cáo công tác thực hiện phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Cùng tham dự có cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long; lãnh đạo Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; lãnh đạo các sở, ngành của TP; lãnh đạo UBND và Giám đốc Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Tính đến 16/8/2017, cả nước đã ghi nhận 90.626 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó, 24 trường hợp tử vong; số mắc tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2016 và số tử vong tăng 07 trường hợp. Tại Hà Nội, theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước; tính số mắc bệnh trên 100.000 dân thì Hà Nội đứng thứ 3 trong cả nước.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đức Hạnh cho biết, hiện nay, 584/584 xã, phường thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã đã thành lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch và tổ giám sát phòng chống dịch SXH theo chỉ đạo của UBND TP và hướng dẫn của Sở Y tế. Toàn TP đã tổ chức xử lý được 2.112 ổ dịch; 90 chiến dịch phun hóa chất diện rộng và hơn 1.000 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy. Tổng số lượt hộ được phun trong khu vực nguy cơ đạt 86%, số hộ không đồng ý phun là 5%, số hộ đi vắng là 9%.

Đáng chú ý, 100% các quận, huyện, thị xã đã ra quân triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống SXH. Thực hiện tổng vệ sinh môi trường tại các khu vực công cộng, đường làng, ngõ xóm, chợ, vườn hoa… thu gom rác thải, phế liệu, các dụng cụ chứa nước. Kết quả, từ ngày 12/8 đến hết ngày 17/8/2017 các đội xung kích đã kiểm tra được 1.346.189 /1.838.906 hộ (đạt tỷ lệ 73%), kiểm tra tổng số 2.754.108 dụng cụ chứa nước, đã xử lý 400.876 dụng cụ chứa nước có bọ gậy, thả hơn 40.500 con cá.

Từ ngày 10/8-17/8, Trung tâm Y tế dự phòng TP tổ chức giám sát muỗi truyền bệnh tại 6 điểm công cộng bao gồm: chợ Mai Động (Hoàng Mai), chợ Thái Hà (Đống Đa), chợ Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân); nghĩa trang Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai), nghĩa trang Quán Dền (Nhân chính – Thanh Xuân), nghĩa trang Láng Hạ (Đống Đa). Kết quả tại khu vực chợ: tất cả các điểm giám sát đều phát hiện các ổ bọ gậy (tại các bể, xô thùng chứa nước), 2/3 điểm bắt được muỗi truyền bệnh; còn lại tại các điểm nghĩa trang đều phát hiện ổ bọ gậy..

TP cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng cách treo các băng zôn khẩu hiệu truyền thông trên hầu hết các tuyến phố chính; phát tờ rơi, tờ cam kết phòng chống SXH tới các hộ gia đình; huy động loa truyền thanh xã, phường, loa di động tại ổ dịch, xe cổ động về phòng chống SXH, phối hợp với cơ quan báo đài đưa tin về tình hình SXH và các biện pháp phòng chống để người dân biết cách tự phòng bệnh và phối hợp triển khai các biện pháp chủ động phòng bệnh… Tổ chức tập huấn về công tác phòng chống dịch SXH cho hơn 2.000 cán bộ tại các tuyến về giám sát phát hiện ca bệnh, điều trị, chăm sóc bệnh nhân SXH…; tập huấn cho 100% các thành viên của đội xung kích diệt bọ gậy, tổ giám sát về các phát hiện và xử lý ổ bọ gậy….

Tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hàng năm, số ca mắc SXH ghi nhận rải rác và thường bắt đầu gia tăng từ tháng 7, tháng 8, sau đó tăng mạnh trong tháng 9, 10 và 11. Nhưng năm 2017, dịch đến sớm từ đầu tháng 5 và gia tăng nhanh trong các tháng 6, tháng 7 và tháng 8. Trong thời gian tới, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố có thể tiếp tục gia tăng do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều làm cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh nhưng nhiều địa phương, hộ dân vẫn không làm quyết liệt. Vì vậy, Hà Nội cần có cách làm tổng thể hơn, một mình ngành Y tế không thể giải quyết được hết, cần huy động tất cả các cấp, các ngành vào cuộc và phải coi đây là nhiệm vụ của mình.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu Sở TT&TT cần tích cực chỉ đạo việc tuyên truyền và phối hợp với Sở Y tế, các địa phương phát video, clip tới người dân về phòng chống SXH. Sở Y tế và các đơn vị tiếp tục thực hiện tổng vệ sinh môi trường từ các ngõ, xóm đến các công trường xây dựng, trường học, bãi đất trống và lấy đội xung kích và Thanh niên tình nguyện làm nòng cốt.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu tiếp tục phun hóa chất trên địa bàn thành phố, nhất là các điểm nóng. Đối với một số vùng hay hộ dân không hợp tác cùng chính quyền cần có sự vào cuộc của công an, thậm chí cưỡng chế để có thể xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn sự phát triển của loăng quăng, bọ gậy. Đặc biệt, để phòng chống SXH, mỗi cá nhân cần biết tự bảo vệ bằng cách dùng thuốc xịt muỗi, vệ sinh nơi ở, có thói quen ngủ màn, làm sạch các dụng cụ chứa nước, không để tù đọng, tạo môi trường cho muỗi sinh sản.

Theo HNP

Theo HNP