Những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vòm họng

Y tế - Ngày đăng : 10:30, 28/08/2017

Sự xuất hiện khối hạch ở vùng cổ, dưới mang tai hay góc hàm là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng

(Moitruong.net.vn) – Ung thư vòm họng là bệnh đứng đầu trong các loại ung thư vùng đầu – mặt – cổ, diễn biến nhanh, tỉ lệ tử vong cao. Đó là lý do tại sao cần phải nhận biết dấu hiệu cảnh báo bệnh càng sớm càng tốt, để được điều trị kịp thời.

Theo bác sỹ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cần cẩn trọng với các dấu hiệu bệnh như ù tai, nhức đầu, nghẹt mũi, thậm chí chảy máu mũi thường thấy ở những bệnh lành tính thuộc chuyên khoa Tai Mũi Họng. Nếu sau một vài tuần điều trị không bớt, các dấu hiệu trên cứ tái diễn nhiều lần thì cần phải nội soi vòm họng hoặc khám chuyên khoa ung bướu để loại bỏ nghi ngờ có bị ung thư vòm họng hay không.

Một dấu hiệu rất quan trọng nữa không thể bỏ qua là sự xuất hiện khối hạch vùng cổ, dưới mang tai hay góc hàm, kích thước một vài cm, không đau. Nếu phát hiện dấu hiệu này, cần đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc Ung bướu sớm để bác sỹ có thể phát hiện bệnh kịp thời.

Bác sỹ Hoàng cho biết thêm, việc nội soi vòm họng có thể phát hiện khối u. Nếu có tổn thương nghi ngờ sẽ được sinh thiết chẩn đoán. Nội soi còn giúp theo dõi sau điều trị ung thư vòm họng, phát hiện sớm khối u tái phát. Cần kết hợp khám lâm sàng, chụp cắt lớp CT hoặc MRI để chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh. Kết quả nội soi mà có dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân nên tái khám định kỳ 3 hoặc 6 tháng một lần.

Trong quá trình điều trị ung thư vòm họng, các bác sỹ sẽ cố gắng để loại bỏ khối u ác tính và ngăn không cho các tế bào ung thư lây lan, bảo vệ khả năng nói và nuốt của bệnh nhân. Hiện, phương pháp phù hợp để điều trị ung thư vòm họng là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của bệnh.

Nếu khối u nhỏ, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau khi cắt bỏ khối u, bạn sẽ được yêu cầu làm xạ trị. Quá trình xạ trị giúp tiêu diệt các tế bào ung thư ác tính.

Trong trường hợp khối u lớn và đã lan đến các bạch huyết, bạn nên làm hóa trị liệu, phương pháp này giúp làm chậm sự tăng trưởng của các tế bào ác tính.

Những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư vòm họng gồm: Người hút thuốc lá trong thời gian dài; Uống thức uống có cồn thường xuyên; Nhiễm virus HPV, đây là loại virus lây truyền qua đường tình dục; Đàn ông có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn phụ nữ 5 lần; Bệnh ung thư vòm họng phổ biến hơn ở những người ở độ tuổi 65 trở lên; Tiếp xúc với các hóa chất như amiăng, niken và khói acid sulfuric…

Do đó, để phòng bệnh ung thư vòm họng hiệu quả, điều quan trọng vẫn là tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ dưới đây:

  • Không nên hút thuốc lá. Các nhà khoa học đã chứng minh những người đang hút thuốc mà từ bỏ được thì sau 5 – 6 năm nguy cơ mắc ung thư vòm họng sẽ giảm xuống giống như những người không hút thuốc.
  • Hạn chế uống rượu, bia và các chất có cồn gây hại cho cơ thể. Hạn chế ăn thịt muối, cá muối và các thức ăn lên men (dưa muối, củ muối).
  • Đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc chuyên khoa ung bướu khi có các triệu chứng bất thường về tai mũi họng kéo dài mà điều trị thông thường không khỏi.
  • Bổ sung các loại trái cây, rau củ vào khẩu phần ăn uống. Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý, luyện tập thể lực để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Tường Minh (TH)

Tường Minh (TH)