Mở rộng ứng dụng muỗi Wolbachia để phòng sốt xuất huyết khu vực phía nam
Y tế - Ngày đăng : 03:11, 08/09/2017
(Moitruong.net.vn) – Sử dụng muỗi Wolbachia mang lại triển vọng lớn về phòng chống bệnh sốt xuất huyết và Zika tại Việt Nam. Bộ Y tế đang có kế hoạch triển khai mở rộng thí điểm ứng dụng muỗi Wolbachia để phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở một số địa phương khu vực phía nam.
Muỗi vằn Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia – loại vi khuẩn tự nhiên, có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con người
Trên cơ sở khoa học và thực tiễn thu được qua các giai đoạn nghiên cứu từ năm 2006-2011 và đặc biệt qua đánh giá của các hội đồng khoa học về tính an toàn của phương pháp này, muỗi vằn Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia đã được sử dụng tại các hộ gia đình trên đảo Trí Nguyên trong hai đợt, từ tháng 4 đến 9/2013 và từ tháng 5 đến 11/2014.
Năm 2013, muỗi mang Wolbachia đã được thả thí điểm tại đảo Trí Nguyên (Hòn Miễu, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang). Từ đó tới nay trên đảo Trí Nguyên không có dịch sốt xuất huyết, dù năm 2015 và 2016 tại TP Nha Trang có dịch sốt xuất huyết lớn.
Vào tháng 8/2016, kết quả nghiên cứu thí điểm ứng dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đảo Trí Nguyên đã được Bộ Y tế nghiệm thu về các mặt tính an toàn, khả năng ức chế virus Dengue của muỗi Wolbachia và sự ủng hộ của cộng đồng.
Hiện nay, Dự án hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam đang xin phép các cấp có thẩm quyền để triển khai bước tiếp theo là thí điểm thả muỗi Wolbachia trên một khu vực thực địa hẹp ở thành phố Nha Trang đất liền, dự kiến từ cuối năm 2017.
Phương pháp này có triển vọng mang lại lợi ích to lớn, giúp khống chế một cách chủ động, lâu dài bệnh sốt xuất huyết và Zika.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh diễn ra chiều ngày 31/8 ở Bộ Y tế: “Về lâu dài đối phó với dịch bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cần mở rộng việc thả muỗi chứa tác nhân sinh học Wolbachia tại đất liền để hạn chế sự sinh sôi nảy nở của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết”.
H.Thu (t/h)