Thừa Thiên – Huế: Nỗ lực bảo tồn loài “Kỳ lân” quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 06:58, 05/08/2017
(Moitruong.net.vn) – Sao la được các nhà nghiên cứu ví như loài “kỳ lân” đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhằm cứu loại động vật quý hiếm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn Vườn Quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên – Huế làm trung tâm nhân giống sao la đầu tiên trên thế giới.
Một cá thể sao la được phát hiện thông qua hoạt động bẫy ảnh. ảnh WWF
Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) là loài thú cổ đại nhưng mới được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào năm 1992 tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh, nằm gần biên giới Việt – Lào. Các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định sao la là loài động vật quý hiếm nhất trên thế giới vẫn còn tồn tại trong những khu rừng tự nhiên của dãy Trường Sơn. Hiện nay, sao la đang có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao, được xếp hạng ở mức nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách Đỏ của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã cho biết, trước yêu cầu bức bách, Nhóm Các nhà Nghiên cứu sao la (SWG) thuộc Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập chương trình nhân giống sao la đầu tiên trên thế giới tại Vườn Quốc gia Bạch Mã. Đây là cơ hội trong việc bảo tồn loài động vật quý hiếm này, qua đó góp phần đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Sao la có bộ lông màu nâu sẫm, sừng dài và mảnh dẻ, hướng thẳng về phía sau và có thể dài đến 51 cm. ảnh: WWF
Để nhân giống được sao la, công việc khó khăn nhất là phải tìm kiếm bằng được chúng bởi sao la sinh sống chủ yếu ở trong những khu rừng sâu, số lượng lại rất ít. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự nỗ lực, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, chính quyền và người dân địa phương. Ngoài ra, cần có sự xác định, thăm dò, khoanh vùng và các giải pháp phát hiện một cách hiệu quả, chính xác.
Trên thực tế, để tìm gặp được loài sao la rất khó. Kể từ lần cuối phát hiện thêm một cá thể sao la bị người dân bắt giữ vào năm 2010 và chết sau đó 1 tuần, đến nay các nhà nghiên cứu, cũng như người dân vẫn chưa ghi nhận trực tiếp sự xuất hiện của loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này trong tự nhiên. Gần nhất là vào năm 2013, Tổ chức Thiên nhiên Quốc tế (WWF) phát hiện SL tại miền Trung –Việt Nam thông qua hoạt động bẫy ảnh.
Hiện cơ quan chức năng, các nhà khoa học vẫn chưa có số liệu thống kê, xác định số lượng cụ thể của loài sao la đang tồn tại trong tự nhiên. Nạn săn bắt thú khiến sao la dính bẫy, bị tiêu diệt nên số lượng được phỏng đoán chỉ còn chừng vài chục cá thể, tập trung nhiều nhất tại các khu rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Thói quen sống tại những khu vực hẻo lánh, địa hình dốc, hiểm trở, khí hậu ẩm ướt đã khiến các nhà khoa học gặp phải vô vàn khó khăn trong việc tìm ra nơi ở và bảo vệ loài sao la trước những kẻ săn bắt trái phép.
H.Đội