Việt Nam-Campuchia hiệp lực đấu tranh chống buôn bán động vật hoang dã

Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 10:16, 27/09/2017

(Moitruong.net.vn) – Trong 2 ngày 26 và 27/9, tại Mondulkiri, Campuchia, Bộ Môi trường Campuchia phối hợp với Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tổ chức khóa tập huấn “Tăng cường năng lực thực thi pháp luật và thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên biên giới”.

Các học viên tham gia tập huấn

Lớp tập huấn thu hút 38 cán bộ đại diện các cơ quan thực thi pháp luật hai quốc gia Việt Nam và Campuchia gồm Kiểm lâm, Biên phòng, Cảnh sát môi trường, Viện Kiểm sát, cán bộ quản lý rừng quốc gia tham gia.

Theo bà Sarah Brook, Cố vấn Kỹ thuật về phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép, mục đích chính của khóa tập huấn là hỗ trợ cơ quan chức năng tại 4 tỉnh biên giới Việt Nam và Campuchia chạy dọc khu vực sườn Tây phía Nam dãy Trường Sơn trong cuộc chiến với tệ nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép, cũng như tăng cường hợp tác giữa chính phủ hai nước trong giải quyết các vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép qua biên giới.

Các kết quả khảo sát sơ bộ của WCS về thực trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Đăk Nông, Bình Phước (Việt Nam) từ năm 2013 đến 2016 và Mondulkiri, Kratie (Campuchia) năm 2015 cho thấy, dọc biên giới tỉnh Đăk Nông và Bình Phước, nhiều chủ buôn lớn và nhà hàng có liên quan đến hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.

Một số chủ buôn xác nhận thu mua hàng động vật từ Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, và một số khu vực rừng thuộc tỉnh Bình Phước và Đăk Nông; một số khác được vận chuyển trái phép từ khu bảo tồn Snoul và Seima ở Campuchia vào Việt Nam.

Ông H.E. Svay Sam Eang, Phó tỉnh trưởng tỉnh Mondulkiri cho biết: “Chính phủ hai nước Việt Nam-Campuchia đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các loài hoang dã đang bị đe dọa. Trong đó, hợp tác từ phía cơ quan chức năng, các tổ chức phi chính phủ, và cộng đồng trong công tác bảo tồn là cần thiết.

Thông qua khóa tập huấn này, cơ quan chức năng của hai nước có thể chia sẻ kinh nghiệm, cũng như tìm hiểu thêm về pháp luật bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các loài hoang dã, qua đó có thể thực thi pháp luật có hiệu quả ở cấp độ địa phương nhằm đấu tranh với tội phạm động vật hoang dã.

Trong khóa tập huấn, các học viên còn có cơ hội chia sẻ thông tin về các vụ buôn bán động vật hoang dã, cũng như dự thảo các kế hoạch liên ngành về phòng chống buôn bán động vật hoang dã giữa hai quốc gia.

Theo Hải Quan

Theo Hải Quan