Những giải pháp cấp bách quản lý tài nguyên nước hiệu quả
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 04:12, 23/05/2017
(Moitruong.net.vn) – Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống của con người và sự phát triển bền vững của mọi quốc gia. Những biến đổi khốc liệt và ngày càng khó lường của khí hậu đang đặt ra cho các cấp, các ngành chức năng yêu cầu cấp bách tìm giải pháp để đáp ứng nhu cầu nước ngày càng tăng của xã hội. Vì vậy, cần tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý tài nguyên nước hiệu quả.
Ảnh minh họa
Để bảo đảm an ninh nguồn nước, cần xúc tiến những giải pháp mang tính căn bản như sau:
Một là, tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên nước, trọng tâm là rà soát, điểu chỉnh, bổ sung các quy định về cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vảo nguồn nước; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; xử lý, trám lấp giếng không sử dụng; bảo vệ nước dưới đất; các định mức kinh tế – kỹ thuật, đơn giá… để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình mới; xây dựng các quy định, hướng dẫn xác định và công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu hồ chứa để quản lý, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động vận hành hồ chứa. Nghiên cứu xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia.
Hai là, tập trung rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình vận hành các hồ chứa, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành điều tiết nước đáp ứng yêu cầu về phòng, chống, giảm lũ, cấp nước mùa cạn và phát điện của các hồ chứa.
Ba là, tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trọng tâm là các quy định mới như: ưu đãi đối với việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (sau khi được Chính phủ ban hành); giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin, công nghệ tự động trực tuyến; giám sát việc vận hành của các hồ chứa theo quy trình liên hồ và việc xả dòng chảy tối thiểu. Quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, nhất là khai thác, tận thu cát, sỏi trên sông, hồ, san lấp, bờ sông.
Bốn là, tập trung xây dựng quy hoạch tài nguyên nước, trước hết là quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước và Quy hoạch tài nguyên nước một số lưu vực sông liên tỉnh như Cửu Long, Sê San, Srepok… Xây dựng quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở những khu vực khan hiếm nước, thiếu nước, hải đảo. Tập trung nghiên cứu, đánh giá sụt lún đất ở các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long làm căn cứ để đề xuất việc quản lý, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động khai thác nước dưới đất, đồng thời tích hợp vào các kịch bản biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện dự án Điều tra đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Nghiên cứu khả năng, đề xuất giải pháp giữ nước cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Năm là, tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bằng công nghệ tự động, trực tuyến. Trong đó, chú trọng việc kiểm soát toàn diện, theo thời gian thực việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ và các hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả nước thải lớn, gây ô nhiễm nguồn nước.
Thống kê, phân loại nguồn nước, công bố danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng và danh sách các cơ sở khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước.
Sáu là, tập trung kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm đối với việc vận hành giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước trong mùa cạn, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ theo quy trình liên hồ chứa trên các lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, Ba, Sê San, Srepok và Đồng Nai.
Bảy là, tiếp tục kiên trì hợp tác, đấu tranh bằng các hình thức đa dạng, phù hợp, trên nhiều diễn đàn nhằm bảo đảm khai thác sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước chung của 6 quốc gia trên lưu vực sông Mê Công và bảo đảm sử dụng nước ở bất kỳ một quốc gia nào cũng không được gây hại đáng kể cho các quốc gia khác theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế. Xúc tiến hợp tác với Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin dữ liệu nguồn nước sông Hồng.
Tám là, tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý tài nguyên nước để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, trọng tâm là nguồn lực để triển khai thực hiện, bao gồm cả kinh phí, tổ chức bộ máy và năng lực thực thi. Thành lập và sớm đưa vào hoạt động 06 Ủy ban lưu vực sông để tăng cường cơ chế điều phối, giám sát, phối hợp thực hiện, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành, liên địa phương trong khuôn khổ lưu vực sông, bảo đảm tính thống nhất trong quả lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông.
Chín là, tuyên truyền phổ biến rộng rãi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhất là tưới và thực hiện chính sách thu tiền khai thác nước ngầm để tưới cây theo quy định của Luật để chống lãng phí nguồn nước.
Quỳnh Mai (T/h)