Những loại thực phẩm “kim cương” dành cho người bị gout

Y tế - Ngày đăng : 09:00, 11/04/2018

(Moitruong.net.vn) – Bệnh gout được coi là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purine ở người, làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Vì vậy, người bệnh gout rất cần một chế độ ăn uống hợp lý nhằm kiểm soát tốt bệnh gout và các bệnh kèm theo dễ hơn.

Bệnh gout thường xảy ra với nam giới trung niên (tuổi 40 – 50)

Các cơn đau do bệnh gout đem tới thường xuất hiện nhiều trong đêm và nhạy cảm tới mức chỉ cần chạm nhẹ vào tấm ga trải giường cũng khiến người bệnh đau đớn và không thể ngủ được. Sự đau đớn này có thể diễn ra trong vài giờ tùy từng người bệnh và sẽ thuyên giảm trong khoảng 2-7 ngày sau đó. Khi gặp phải các cơn đau gout, các khớp viêm tấy lên, sau khi hết đau người bệnh sẽ có cảm giác ngứa tại vị trí viêm tấy và lớp da có thể bong tróc.

Trong các giai đoạn cấp tính, bệnh nhân còn có thể bị sốt cao, có một vài dấu hiệu như cổ cứng, nôn…giống với bệnh màng não. Chính bởi lý do bệnh gout xuất hiện theo từng đợt, khi thuyên giảm người bệnh thấy hết đau nên tưởng chừng như khỏi hẳn và lơ là trong việc điều trị và bệnh tái phát sau đó không lâu. Các triệu chứng khác dễ thấy của bệnh gout như nổi các hạt tophi, xuất hiện các u cục tại vị trí các khớp. Sưng túi dịch đệm ở đầu gối, khuỷu tay khiến sự vận động luôn bị cản trở, bị hạn chế.

Ở giai đoạn muộn, gout sẽ tái phát ở nhiều vị trí cùng lúc có thể đối xứng hoặc bất đối xứng. Bệnh diễn ra liên miên không theo từng đợt, rất dễ bị nhầm với các loại viêm khớp khác nên rất khó để phòng ngừa và điều trị đúng cách.

Người đã mắc bệnh gout cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn điều trị của bác sỹ trong ăn uống, sinh hoạt và dùng thuốc. Tuy nhiên việc phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học hợp lý, thời khóa biểu luyện tập thể dục thể thao đều đặn và uống đủ nước mỗi ngày luôn là biện pháp phòng và nâng cao sức khỏe tốt nhất.

Dưới đây là một số loại thực phẩm “kim cương”, rất có lợi cho sức khỏe của người bị gout:

Dưa chuột:

Dưa chuột là loại rau kiềm tính. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, dưa chuột tính mát, vị ngọt, công dụng thanh nhiệt, giải độc nên có khả năng bài tiết tích acid uric qua đường tiết niệu.

Bí đỏ:

Quả bí đỏ có tính ấm, vị ngọt, công dụng bổ trung ích khí, giảm mỡ máu và hạ đường huyết, là loại thực phẩm kiềm tính và hầu như không chứa nhân purin, lý tưởng cho người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì và tăng acid uric trong máu.

Củ cải:

Củ cải có tính mát, vị ngọt, có công dụng lợi quan tiết, hành phong khí, trừ tà nhiệt (Thực tính bản thảo), trừ phong thấp (Tùy tức cư ẩm thực phổ), rất thích hợp với người bị phong thấp nói chung và thống phong nói riêng. Đây cũng là loại rau kiềm tính, giàu sinh tố, nhiều nước và hầu như không có nhân purin nên được coi là loại thực phẩm rất tôt cho người bệnh gout.

Đậu đỏ:

Trong điều trị bệnh gout thì người bị bệnh gout có thể thêm đậu đỏ vào bữa ăn của mình thường xuyên giúp cải thiện bệnh gout. Đậu đỏ có nhiều công dụng như: Trong đông y đậu đỏ có tính bình, lợi tiểu, tiêu thũng giúp hỗ trợ chuyển hóa acid uric ra ngoài cơ thể. Hơn nữa thành phần đậu đỏ không có nhân purin nên không gây dư thừa acid uric trong máu, tốt cho người bị gout.

Quả dứa:

Trong quả dứa có chứa hàm lượng lớn vitamin C, và các vitamin nhóm B như B1, B2, B3, acid hữu cơ, các vi chất canxi, magie, kẽm, sắt …đặt biệt là có enzym giúp thủy phân protein. Do vậy nên trong điều trị bệnh gout dứa được xem là nguyên liệu hữu ích trong việc giảm chất đạm dưa thừa trong cơ thể và giúp làm tan kết tủa urat, giúp hạ acid uric trong máu nên rất thích hợp cho những người bị gút cấp và mãn tính.

Yến Anh (T/h)

Yến Anh (T/h)