Bé gái 3 tuổi phải cắt bỏ tứ chi do nhiễm khuẩn đường huyết

Y tế - Ngày đăng : 07:05, 15/04/2018

(Moitruong.net.vn) – Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương (Tp. Hà Nội) vừa tiếp nhận một trường hợp bé gái 3 tuổi (quê Lào Cai) đã bị hoại tử cả tứ chi do nhiễm khuẩn đường huyết khiến các bác sỹ buộc phải cắt bỏ.

Hiện nay bé gái đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Bác sỹ Lê Tuấn Anh, Phó khoa Chỉnh hình nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội) xác nhận ngày 26/3 vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp bé Thư (3 tuổi, quê Lào Cai) nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn rất nặng, tay chân bị hoại tử và phải thở máy. Sau nhiều ngày điều trị, hiện tính mạng cháu đã qua cơn nguy kịch nhưng không thể giữ lại được hai bàn tay. Sắp tới, khi sức khỏe bé hồi phục, đôi bàn chân cũng sẽ tiến hành tháo khớp vì không còn sự sống.

Mẹ bé Anh Thư, chị Tẩn Thị Hồng (sinh năm 1993, Phong Thổ, Lào Cai), chia sẻ: “Chính tôi cũng không biết và không hiểu vì sao con bị như vậy”. Ngày 24/3, bé Thư có biểu hiện ăn kém và kèm sốt. Ban đầu người mẹ này chỉ nghĩ con ốm vặt do thời tiết và cho uống thuốc nhưng không khỏi

Bác sỹ Tuấn Anh khẳng định việc một số thông tin cho rằng cháu bị bệnh than, liên cầu lợn…là không chính xác. Kết quả xét nghiệm cho thấy chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm khuẩn huyết. Sau đó, bé bị tắc mạch ngoại vi ở các chi do nhiễm khuẩn huyết và dẫn đến bị hoại tử.

“Để phòng tránh căn bệnh này, người dân nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ngủ mắc màn và tránh bị côn trùng đốt. Khi sốt cao dù uống thuốc không có biểu hiện đỡ, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra”, bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo.

Nhiễm khuẩn huyết (hay nhiễm trùng máu) xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể bị quá tải trong quá trình chống lại sự nhiễm trùng. Lượng lớn các hóa chất được tiết và nhiễm vào máu có thể gây ra chứng viêm mãn tính. Điều này có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan nội tạng. Cơ chế đông máu trong giai đoạn máu bị nhiễm trùng làm giảm lưu lượng máu di chuyển đí chân tay và các cơ quan nội tạng, dẫn đến việc cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy. Trong một vài trường hợp rất nghiêm trọng, một hoặc vài cơ quan nội tạng có thể bị suy chức năng. Thậm chí, ở một vài trường hợp xấu nhất, nhiễm khuẩn huyết có thể gây ra chứng hạ huyết áp. Các bác sỹ gọi hiện tượng này là “sốc nhiễm khuẩn”, nó có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng ở một số bộ phận như phổi, thận và gan. Thậm chí, triệu chứng này có thể gây tử vong ở một số trường hợp.

Để phòng tránh căn bệnh này, các bác sỹ khuyến cáo người dân nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ngủ mắc màn và tránh bị côn trùng đốt. Khi sốt cao, dù uống thuốc không có biểu hiện đỡ, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra.

Yến Anh (T/h)

Yến Anh (T/h)