Quảng Ninh: Tích cực tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 06:36, 19/10/2017
(Moitruong.net.vn) – Quảng Ninh có hệ sinh thái phong phú với đa dạng các loài động, thực vật trên cạn, dưới nước. Trước xu hướng tàn phá môi trường, hệ sinh thái do hoạt động của sản xuất công nghiệp và việc khai thác, đánh bắt thủy sản bằng những hình thức tận diệt, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động có những biện pháp mạnh, hữu ích nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần gìn giữ cho muôn đời sau.
Lãnh đạo tỉnh cùng các cấp ngành thả cá tại Hồ Trại Lốc
Trong những ngày cuối tháng 9/2017 vừa qua, khi mà cái nắng chói chang vẫn còn gay gắt, chúng tôi vinh dự được tháp tùng đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trực tiếp đi thả gần 200.000 con cá giống nước ngọt xuống 9 hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh, bao gồm: Hồ Tràng Vinh (Móng Cái), Đầm Hà Động (Đầm Hà), Khe Cát (Tiên Yên), Cao Vân, An Biên (Hoành Bồ), Yên Lập (Quảng Yên), Yên Trung (Uông Bí), Khe Chè, Trại Lốc (Đông Triều). Để đảm bảo cho sự phát triển hài hòa giữa các loài cá trên cùng một diện tích, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động tham mưu đưa 3 ba loài cá, đó là cá chép sống ở tầng đáy, cá trôi sống tầng giữa và cá mè sống tầng mặt để đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thả ra các hồ.
Tại mỗi nơi đến thả cá, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đều tâm nguyện, quán triệt cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân hãy cộng đồng trách nhiệm, tích cực tham gia bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nhất là bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh. “Chúng ta là những người đi trước của thế hệ sau này, do vậy mỗi người trong chúng ta phải biết cách bảo vệ, gìn giữ những gì chúng ta đã và đang được hưởng, không nên vì lợi ích trước mắt, bằng cách này hay cách khác sử dụng những công cụ đánh bắt thủy sản tận diệt, làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Chúng ta không giữ gìn, con cháu sau này sẽ trách cứ, không còn nguồn thực phẩm để tồn tại” – Bí thư Tỉnh ủy tâm sự.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc trao đổi với ngư dân – những người trực tiếp tham gia đánh bắt thủy sản trên biển
Cùng với những tâm sự tâm huyết, trách nhiệm với những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn đặc biệt lưu ý cần phải tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Trước đó, trước tình hình khai thác, đánh bắt thủy sản gần bờ bằng những công cụ đánh bắt tận diệt, như mìn, xiết điện, lồng bát quái hay hóa chất xianua (Cyanit) của ngư dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp cùng với các sở, ngành chức năng của tỉnh đi kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên dọc tuyến biển của tỉnh, trao đổi với bà con ngư dân – những người đang trực tiếp tham gia vào đang hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Qua đi thực tế nắm tình hình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận thấy việc khai thác, đánh bắt thủy sản bằng công cụ tận diệt là có, chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, khoa học. Trước tình hình trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo dừng hoạt động khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long và tiến tới chấm dứt hoàn toàn khai thác thủy sản trong khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long; tổ chức ra quân kiểm tra tổng thể trên toàn tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; định hướng, đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra hành chính, phát hiện, xử lý nhiều tàu cá của ngư dân dùng thiết bị kích điện để đánh bắt thủy sản
Qua kết quả rà soát, kiểm tra của cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh có khoảng gần 800 tàu thuyền có sử dụng lồng bát quái, chiếm 12% tổng số tàu thuyền khai thác thủy sản toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là ngư dân các xã: Liên Hòa, Liên Vị, Tiền Phong (TX Quảng Yên); Phú Hải (huyện Hải Hà). Nếu mỗi thuyền sử dụng từ 200-400 bộ lồng bát quái, tương đương chiều dài 2-3km. Theo tính toán của Chi Cục Thủy sản, với số lượng này, hiện mỗi đêm ngư dân giăng mắc trên dưới 1.500km lồng, gấp 6 lần chiều dài ven biển toàn tỉnh; vây bắt trên 24.000 tấn thủy sản/năm, cao hơn 6.000 tấn/năm so với mức sản lượng cân bằng vùng ven biển toàn tỉnh (18.000 tấn/năm), trong đó tỷ lệ các loài thuỷ sản có kích thước nhỏ hơn quy định chiếm khoảng 70% tổng sản lượng khai thác. Nguy hại hơn, hàng trăm km có giăng lồng bát quái trên sẽ ngăn chặn đường di chuyển của thủy sản, vốn theo tập tính con bố mẹ phải vào ven bờ để đẻ trứng, còn con non phải ra biển để trưởng thành, từ đó làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Trước sức ép từ thực tế trên, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về việc “Tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Thực hiện sự chỉ đạo đó, các địa phương, sở, ngành chức năng đã tích cực vào cuộc tổng kiểm tra, rà soát các phương tiện đánh bắt thủy sản, cơ sở cung cấp công cụ khai thác trên địa bàn toàn tỉnh. Trong một buổi gặp gỡ, trao đổi, giải quyết kiến nghị của công dân huyện Hải Hà và TX Quảng Yên xung quanh vấn đề sử dụng ngư cụ khai thác thủy sản tận diệt ngày 28-8, đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có chỉ đạo, từ ngày 1-1-2018 sẽ tiến hành thu giữ, cấm sử dụng lồng bát quái trên địa bàn toàn tỉnh, còn hiện tại tạm thời lập biên bản, nhắc nhở; đối với hình thức đánh bắt tận diệt khác sẽ thu giữ, xem xét hình thức xử phạt vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo QNP