Lo ngại trước tình trạng tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam
Y tế - Ngày đăng : 12:00, 22/06/2018
(Moitruong.net.vn) – Sáng nay, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo công bố các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có cồn để phòng các bệnh không lây nhiễm.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cung cấp thông tin một nghiên cứu cho thấy mức tiêu thụ đồ uống có đường bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng gấp 7 lần trong vòng 15 năm. Nếu như năm 2002 ở mức thấp, 6 lít/người/năm, thì năm 2016 đã tăng lên 44 lít/người/năm. Đây là nguyên nhân tỷ lệ béo phì của Việt Nam đã tăng gần 70% sau 15 năm. Hiện tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số.
TS. Bắc cho biết, đồ uống có đường khiến người uống có cảm giác sảng khoái, ăn ngon miệng hơn, lại đa dạng về chủng loại khiến trẻ em, người lớn đều yêu thích. Nhưng đồ uống có đường là thủ phạm gây dư thừa năng lượng, mỡ, gây các rối loạn chuyển hóa làm tăng các bệnh không lây nhiễm như béo phì, tăng huyết áp, tim mạch.
Lo ngại về mức tiêu thụ đồ uống có đường, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng khuyến cáo, theo công bố trên nhãn của nhà sản xuất, 100 ml nước ngọt thì tạo ra 42 kcal. Thế nhưng một lon nước ngọt lại thường được đóng hơn 300ml và hầu hết mọi người đều có tâm lý, đã mở ra thì cố uống, bỏ thì tiếc nên lại uống cố, đồng nghĩa với việc sẽ nạp khoảng 140 kcal. Để uống một lon nước ngọt rất nhanh, nhưng để tiêu thụ được lượng đường này sẽ mất khoảng 60 phút đi bộ.
Trước tình trạng đó, trong hội thảo, các chuyên gia đề xuất cần tiến tới đánh thuế đối với đồ uống có đường và hạn chế quảng cáo. Có 3 phương án áp giá thuế đối với đồ uống có đường: áp theo lít; áp theo tỷ lệ đường trong lượng đồ uống; giá xuất xưởng. Kinh nghiệm tại hơn 40 quốc gia đã áp dụng biện pháp đánh thuế đồ uống có đường, kết quả cho thấy khi đồ uống có đường tăng giá lên 20% sẽ giảm lượng tiêu thụ khoảng 20%.
Mai Nhi