Suýt mất mạng sau khi ăn nấm mọc ở đống rơm

Y tế - Ngày đăng : 04:20, 16/07/2018

(Moitruong.net.vn) – Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, ngày 14/7, phòng cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.V.T (37 tuổi, quê Yên Bái) vào viện trong tình trạng đau quặn bụng từng cơn, miệng khô, nôn nhiều.

Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương

Theo người nhà bệnh nhân kể lại, bệnh nhân ăn canh nấm (không rõ tên nấm gì) lúc 11h30 trưa cùng ngày, khoảng 3 tiếng sau xuất hiện nôn nhiều, đau bụng quặn từng cơn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần nên gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu. Người nhà cho biết thêm, khi hái rau ở vườn thấy nấm mọc ở đống rơm, nên đã hái ba cây nấm nấu canh với rau. Cây nấm màu trắng, giống nấm rơm nên không nghĩ là nấm độc.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, xét nghiệm cô đặc máu vượt ngưỡng cho phép 54,9%/L (bình thường 35 – 50%/L), bệnh nhân thiếu dịch nặng. Ngay lập tức các bác sỹ thực hiện truyền bù dịch cho bệnh nhân. Qua các cận lâm sàng bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc nấm. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện.

Cây nấm bệnh nhân đã ăn

Bác sỹ khoa hồi sức cấp cứu cho biết, ngộ độc nấm rất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong do chất độc ngấm sâu vào cơ thể. Các triệu chứng ngộ độc nấm thường thấy là loạn nhịp thở, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn hoạt động của bộ máy tiêu hóa, gan thận, co giật, rối loạn thần kinh, tim mạch, hôn mê và tê liệt thần kinh trung ương…

Do đó, ngay khi có triệu chứng ngộ độc phải gây nôn để nôn hết nấm độc đã ăn ra ngoài, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời. Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế. Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.

Để phòng tránh bị ngộ độc nấm, các bác sỹ khuyến cáo người dân chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được; Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc), đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc; Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

Mai Nhi

Mai Nhi