Bắc Giang chuyển giao một cá thể Khỉ đuôi lợn cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 07:54, 16/01/2018
(Moitruong.net.vn) – Ngày 16/01/2018, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Dũng, phối hợp với Phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang chuyển giao 01 cá thể Khỉ đuôi lợn (tên khoa học Macaca leonina), có trọng lượng 3,0 kg, giới tính đực cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chăm sóc, theo dõi, nhằm phục hồi các tập tính hoang dã của loài, trước khi thả về môi trường tự nhiên.
Khỉ đuôi lợn (tên khoa học Macaca leonina)
Cá thể Khỉ đuôi lợn trên do ông Trần Ngọc Định (sinh năm 1962, thường trú tại thôn Đông Tiến, xã Hương Gián, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) tự nguyện giao, nộp cho cơ quan Kiểm lâm.
Được biết, khoảng tháng 11/2017, ông Định vào thăm người thân ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, khi về được tặng cá thể Khỉ đuôi lợn trên rồi mang về nuôi, với mục đích làm cảnh. Quá trình nuôi nhận thấy việc nuôi, nhốt động vật hoang dã của gia đình không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là sai với quy định của pháp luật, nên ông Định đã tự nguyện giao, nộp cho Nhà nước.
Khỉ đuôi lợn là động vật rừng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB (hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) theo quy định của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Khỉ đuôi lợn thường có bộ lông mầu xám, đỉnh đầu lông dài, rậm mầu hung xẫm hoặc xám tạo thành “xoáy” tỏa ra xung quanh giống cái mũi; nơi sống trong rừng già, rừng thưa trên núi đất; thức ăn là quả, hạt, lá nõi cây và côn trùng.
Kiểm lâm Bắc Giang chuyển giao cá thể Khỉ đuôi lợn cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội
Sau khi tiếp nhận cá thể Khỉ trên đồng chí Lê Xuân Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho biết: “Trung tâm đánh giá rất cao Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang đã phối hợp cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã quý, hiếm trong thời gian qua, mong rằng thời gian tới Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang tiếp tục phối hợp tốt với Trung tâm trong công tác chuyển giao, cứu hộ các loài động vật hoang dã, góp phần vào công tác bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và các nguồn gen động vật rừng quý, hiếm của đất nước”
Đây là cá thể động vật rừng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm đầu tiên mà tỉnh Bắc Giang đã chuyển giao, cứu hộ năm 2018. Trước đó, theo thống kê trong năm 2017 vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đã chuyển giao, cứu hộ và bảo tồn thành công 28 cá thể động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Cụ thể, tang vật vi phạm tịch thu (có nguồn gốc ngoài tỉnh), đã chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật – Vườn Quốc gia Cúc Phương chăm sóc, nhằm phục hồi các tập tính hoang dã của loài trước khi thả về môi trường tự nhiên 05 cá thể Rùa đất lớn (tên khoa học Heosemys grandis), có trọng lượng 16,0 kg; 02 cá thể Rùa núi viền (tên khoa học Manouria impressa), có trọng lượng 6,2 kg và 04 cá thể Rùa đầu to (tên khoa học Platysternum megacephalum), có trọng lượng 1,5 kg. Thả lại nơi cư trú tự nhiên 12 cá thể Rắn hổ mang (tên khoa học Naja naja), có trọng lượng 7,0 kg; 02 cá thể Rắn cạp nong (tên khoa họcBungarus fasciatus), có trọng lượng 1,0 kg và 01 cá thể Mèo rừng (tên khoa học Prionailurus (Felis) bengalensis), có trọng lượng 2,3 kg.
Thả lại nơi cư trú tự nhiên động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
Tiếp nhận, chuyển giao 01 cá thể Khỉ đuôi lợn (tên khoa học Macaca leonina), trọng lượng 6,5 kg và 01 cá thể Trăn đất (tên khoa học Python molurus), trọng lượng 39 kg cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chăm sóc, nhằm phục hồi các tập tính hoang dã của loài, trước khi thả về môi trường tự nhiên.
Đồng chí Từ Quốc Huy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cho biết: “Năm 2017, với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa, xử lý các hành vi xâm hại động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật, theo nội dung của Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi đã chuyển giao, cứu hộ, bảo tồn thành công 28 cá thể các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc ngoài tỉnh. Đây cũng là số lượng động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được chuyển giao, cứu hộ, bảo tồn nhiều nhất, kể từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Đó là một thành tựu rất đáng ghi nhận của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang trong việc chuyển giao, cứu hộ và bảo tồn các loài động vật rừng quý, hiếm, góp phần vào công tác bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và các nguồn gen động vật quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và trên cả nước nói chung. Phát huy kết quả đã đạt được, sang năm 2018, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang sẽ chỉ đạo các đơn vị cơ tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 03/CT-TTg và Chỉ thị 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, thường xuyên tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như: Săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ, các loài ĐVHD và sản phẩm, đặc biệt là các hoạt động bày bán, buôn bán qua mạng, quảng cáo,…Cũng như chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và theo quy định của CITES trong quản lý, gây nuôi, vận chuyển, buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”.
Dương Đại Tiến