Khánh Hòa: Lắp đặt phao bù bảo vệ rạn san hô
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 10:12, 03/01/2018
(Moitruong.net.vn) – Sau 3 tháng kể từ ngày Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CSRD) triển khai lắp đặt hệ thống phao bù, công tác bảo vệ các rạn san hô trong khu vực cắm mốc đã phát huy hiệu quả.
Lắp đặt phao bù bảo vệ rạn san hô
Theo ông Nguyễn Văn Quân – Trưởng Ban đại diện cộng đồng mô hình đồng quản lý xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa), Ninh Vân có 181ha rạn san hô tập trung tại 4 khu vực là: rạn Cầu (24ha), rạn Chảo (17ha), rạn Mát (70ha) và rạn Cỏ (70ha). Trước đây, khu vực này là tâm điểm của việc đánh bắt thủy sản gây hư hại rạn san hô – bãi đẻ của các loài thủy sinh. Bên cạnh đó, việc thả neo trong khu vực rạn và xả rác bừa bãi từ các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, sinh hoạt của người dân đã làm suy giảm mật độ che phủ các rạn san hô. Trước tình hình đó, Dự án CSRD nhận thấy việc lắp đặt hệ thống phao bù là rất cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc thả neo lên vùng rạn, đồng thời vừa là điểm đánh dấu, thông báo khu vực rạn san hô cần được bảo vệ.
Ban Quản lý Dự án CSRD Khánh Hòa đã chọn 3 khu vực rạn của 3 địa phương là: Ninh Vân, Ninh Phước (Ninh Hòa) và thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh) để lắp đặt hệ thống phao bù với tổng diện tích hơn 350ha. Việc lắp đặt triển khai từ ngày 17/8 đến 30/9/2017. Đơn vị chủ công là Công ty Cổ phần Hùng Sơn phối hợp với Ban Quản lý Dự án CRSD Khánh Hòa, chính quyền địa phương và các tổ đồng quản lý trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Quang Dũng – Phó ban Quản lý Dự án CSRD Khánh Hòa: Công tác lắp đặt hệ thống phao bù rất nặng nề. Trước khi lắp phải khảo sát tọa độ và vị trí đặt phao. Toàn bộ quá trình thi công đều triển khai dưới nước nên người thợ gặp nhiều khó khăn. Đội thợ lặn phải vận chuyển bi từ đất liền ra vị trí lắp đặt. Dưới đáy biển phải đào hố sâu 40cm chôn bi. Dùng bao chứa cát bỏ đầy vào lòng bi, cố định tại 26 vị trí tương đương 26 phao (Ninh Vân 8 phao, Ninh Phước 12 phao, Vạn Giã 6 phao) để làm trụ neo. Từ các trụ neo nối dây xích để cố định phao trên mặt biển. Tổng kinh phí thực hiện gần 600 triệu đồng.
Theo ông Quân, từ ngày hệ thống phao bù được lắp đặt tại khu vực rạn san hô đã tạo chuyển biến mới trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngư dân có ý thức hơn trong việc đánh bắt, chỉ đánh ngoài khu vực thả phao, hạn chế đánh bắt theo mùa sinh sản, vùng rạn được bảo vệ. Bên cạnh đó, tổ đồng quản lý thường xuyên tổ chức họp dân, tuyên truyền về hiệu quả của cách khai thác không hủy diệt, không dùng các nghề cấm, bảo vệ bãi đẻ của các loài thủy sinh, tạo thuận lợi cho ngư trường khai thác bền vững. Ngoài ra, tổ đồng quản lý còn tham gia tuần tra, kiểm soát, phối hợp với lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng lập lại trật tự nuôi trồng, khai thác trong vùng biển. “Việc lắp đặt hệ thống phao bù giống như hệ thống mốc cảnh giới vùng cấm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số thuyền của ngư dân nơi khác ban đêm lén lút tới khai thác trong vùng cấm”, ông Quân cho hay.
Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án CRSD Khánh Hòa cho biết, sau khi hệ thống phao bù phát huy hiệu quả, các địa phương cần xem xét, kiến nghị các cấp sử dụng vốn ngân sách địa phương nhân rộng mô hình ở các vùng đa dạng sinh học cao, góp phần phát huy tác dụng của dự án lâu dài.
Theo báo Khánh Hòa