Kon Tum: Vắc xin phòng bệnh bạch hầu khan hiếm, người dân lo lắng
Y tế - Ngày đăng : 06:30, 02/12/2018
– Bệnh bạch hầu vừa mới được phát hiện trở lại địa bàn tỉnh Kon Tum sau hơn 11 năm không ghi nhận ca bệnh và đã có hai trường hợp tử vong. Do bệnh lây lan nhanh, hiện nay người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đổ xô đi tiêm vắc xin bạch hầu. Thế nhưng, nguồn vắc xin không đáp ứng kịp thời phục vụ người dân nơi bùng phát các ổ dịch, khiến cho người dân nơi đây họ rất hoang mang, lo lắng.
>>>Nguy cơ nhiều dịch bệnh bùng phát sau bão số 9 Usagi tại TP.HCM
>>>Đồng Nai chi hơn 17 tỷ đồng ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi
Các bệnh nhân nghi bị bệnh bạch hầu đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản và mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường là viêm họng, mũi và thanh quản, họng đỏ, nuốt đau, da xanh xao, mệt mỏi, nổi hạch dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Khi thăm khám sẽ thấy giả mạc có màu trắng ngà, hoặc màu xám dính chặt xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ chảy máu.
Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Bệnh thường lây qua đường hô hấp, do tiếp xúc với người bệnh, hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh cũng có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Tại địa bàn khối 9 thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum là một trong 4 địa phương bùng phát ổ dịch bạch hầu. Hầu hết người dân ở đây đều có nhu cầu tiêm vắc xin vì sợ bệnh lây lan nhanh. Thế nhưng, hơn 1 tháng nay, kể từ khi ổ dịch bùng phát trên địa bàn, ngành Y tế đia phương này vẫn chưa đáp ứng kịp thời lượng vắc xin TD để tiêm phòng cho người dân. Điều này đã và đang khiến cho người dân rất là hoang mang, lo lắng.
Ông Nguyễn Hồng Trung – Khối trưởng khối 9 thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum cho hay: “Trung tâm Y tế lượng thuốc có hạn chế nên hiện nay một số bà con cũng chưa được tiêm. Cụ thể như tôi cũng chưa được tiêm. Một số bà con do bệnh lan tỏa cho nên xuống tận Kon Tum để tiêm phòng vì thuốc ở đây hiện nay chưa đủ theo tôi được biết”.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Đào Duy Khánh – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum thông tin, bệnh bạch hầu có nhiều biến chứng nguy hiếm, đặc biệt là biến chứng viêm cơ tim do độc tố và biến chứng viêm đa dây thần kinh, khi đã biến chứng có nguy cơ tử vong cao, rất là khó lường.
“Đến nay, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu ở Việt Nam mình không có, cho nên trong quá trình điều trị nếu biến chứng nặng ở tim thì bệnh nhân tử vong rất cao”, ông Khánh cho biết thêm.
Trước tình trạng bùng phát dịch bạch hầu, phòng Giaó dục và Đào tạo huyện Đăk Tô đã có văn bản hướng dẫn số 389 yêu cầu các đơn vị trường học triển khai cho nhà trường để nắm bắt các biểu hiện và cách phòng trừ bệnh bạch hầu.
Đồng thời các trường cũng đã chủ động làm việc với Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô để xin nguồn thuốc tiêm phòng cho các em học sinh. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô do đặc thù chủ yếu họ phân bổ cho các vùng xảy ra dịch bệnh tại huyện vì nhân lực và nguồn thuốc còn thiếu thốn không kịp thời nguồn thuốc để tiêm phòng cho các em.
“Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, lây truyền qua rất nhiều đường và đặc biệt là việc tiếp xúc hàng ngày của học sinh thì phụ huynh học sinh đa số rất là lo lắng và đặc biệt là đội ngũ giáo viên, vì nhân lực và nguồn thuốc còn thiếu thốn, không kịp thời nguồn thuốc để tiêm phòng cho các em”.
Hiện nay, tại trung tâm Y tế huyện Đăk Tô, mỗi ngày có trên dưới 400 người đến tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Ngành Y tế cũng đã cung ứng cho trung tâm tiến hành cung ứng cho trung tâm tiến hành tiêm phòng được 5.000 liều vắc xin cho người dân và hiện tại chỉ còn có khoảng 500 liều, không đủ nhu cầu tiêm phòng cho người dân.
Trao đổi với PV, bác sĩ A Nhôm – Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum cho biết: “Khi có ca bệnh ở Đăk Trăm thì Trung tâm Y tế đã tiêm cho người dân trong kế hoạch của Sở y tế là tuổi từ 7 đến 25 tuổi, sau đó là trường Nội trú, xã Kon Đào, xã Pô Kô và làng Đăk Rao lớn của thị trấn Đăk Tô. Đó là những người dân nằm trong kế hoạch của Sở Y tế”.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 6 ổ bệnh bạch hầu với 7 trường hợp mắc, trong đó tại huyện Đăk Hà có 1 trường hợp, huyện Đăk Tô có 2 trường hợp, huyện Tu Mơ Rông có 4 trường hợp và 5 trường hợp người lành màn trùng (+) với bạch hầu.
Trong số các trường hợp mắc bệnh, có hai trường hợp tử vong (tại Đăk Hà có 1 trường hợp, tử vong ngày 25-5; tại huyện Đăk Tô 1 trường hợp tử vong ngày 28/9); có 6 thôn của 5 xã thuộc 3 huyện có ổ bệnh hầu xác định.
Trước tình trạng bệnh bạch hầu bùng phát trở lại và có diễn biến phức tạp, mong rằng các ngành chức năng tỉnh Kon Tum cần cố gắng nỗ lực hơn nữa trong việc đáp ứng nhu cầu nhu cầu tiêm vắc xin cho người dân để cho dịch bệnh không bùng phát nhanh và không xuất hiện thêm trường hợp nào tử vong nữa.
Hoàng Lộc