Xuất hiện dịch Sởi tại 43 tỉnh, thành phố

Y tế - Ngày đăng : 12:30, 20/02/2019

Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11/2- 17/2), trên địa bàn thành phố ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2018, thành phố mới ghi nhận 22 trường hợp mắc sởi.

– Hiện cả nước đã ghi nhận 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

>>> Hà Nội: Số ca mắc bệnh sởi sau Tết tăng đột biến

>>> Dịch lở mồm long móng bùng phát tại Kon Tum

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và đang được cân nhắc như là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Cũng theo WHO, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gene của virus sởi ở Việt Nam và trên thế giới.

Ảnh minh họa

Tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân dịch sởi gia tăng và lan rộng là do tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi không đạt tại nhiều nước và gia tăng sự di chuyển, giao lưu toàn cầu. Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội đã đạt 96,13% nhưng hiện còn một số đơn vị có tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu trên quy mô phường, xã như: phường Đội Cấn (quận Ba Đình) tỷ lệ tiêm 64,1%; phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) (82,6%) và 17/21 phường của quận Đống Đa có tỷ lệ tiêm dưới 95%.

Các ca mắc sởi không chỉ là trẻ em mà có cả người lớn và trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng, tức dưới 9 tháng tuổi. Một trong những nguyên nhân được xác định là do miễn dịch cộng đồng thấp. Cũng vì thế, từ cuối năm 2018, chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi – rubella cho khoảng 4,2 triệu trẻ từ 1 – 5 tuổi đã được triển khai tại các vùng nguy cơ cao tại hơn 400 huyện của 57 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, ngoài việc tiêm chủng, Bộ Y tế cũng lo ngại về tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế, nếu những nơi này không được kiểm soát hoặc có những khu cách ly riêng.

Nói đến hậu quả của dịch bệnh sởi, nhiều người chắc hẳn vẫn không thể quên sự kiện đau lòng xảy ra vào cuối năm 2013, đầu năm 2014. Thời điểm đó đã có hơn 100 trẻ tử vong do các biến chứng liên quan đến sởi, phần lớn tập trung tại Hà Nội, mà chủ yếu các ca được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi trung ương.

Nguyên nhân dẫn đến số ca tử vong tập trung cao ở Bệnh viện Nhi Trung ương được các chuyên gia nhận định đây là bệnh viện tuyến cuối nên những trường hợp nặng đều chuyển về đây kể cả trẻ nguy kịch, gây nên tình trạng quá tải bệnh nhân nặng. Trong khi đó sởi lại là bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Với các trẻ mắc bệnh sẵn sức đề kháng giảm, khi vào viện mắc thêm sởi, dẫn đến suy giảm miễn dịch nên trẻ dễ tử vong.

Hiện đã ghi nhận 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Điều đáng nói là 90% số ca mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao nếu các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được triển khai quyết liệt hơn.

Hà An (T/h)

Hà An (T/h)