Yên Định (Thanh Hóa): Xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, tiêu hủy 226 con lợn
Y tế - Ngày đăng : 07:33, 27/02/2019
– Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa vừa tiến hành tiêu hủy 226 con lợn của một hộ gia đình ở xã Định Long sau khi xác định số vật nuôi này mắc bệnh tả lợn châu Phi.
>>> Cà Mau: Phát hiện xác cá voi nặng gần 20 tấn trôi trên biển
>>> Đà Nẵng: Hàng nghìn người dân khốn khổ sống trong chung cư xuống cấp, ô nhiễm
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Thú y vùng III đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y Thanh Hóa chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống dịch như: đã tạm cấp cho huyện Yên Định 800 lít hóa chất, 1 tấn vôi bột để khử trùng tiêu độc, 200 bộ bảo hộ phòng chống dịch, 10 bình động cơ phun tiêu độc khử trùng.
Huyện Yên định đã tổ chức huy động tại chỗ 100 bộ quần áo báo hộ, 2 tấn vôi, 200 lít hóa chất, 5 bình động cơ và 32 bình bơm điện, bơm tay để phun tiêu độc khử trùng.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, thành lập 5 chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, 8 chốt kiểm soát quanh vùng đệm; 2 đội kiểm tra lưu động liên ngành gồm công an, thú y, quản lý thị trường để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24h đối với lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm cũng như các trạm dừng phương tiện giao thông để thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm ra bên ngoài.
Để phòng, chống, ngăn chặn dịch bênh lây lan, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công điện khẩn số 02 yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các sở và thủ trưởng các ban, ngành tập trung cao độ, chỉ đạo đồng bộ, kiên quyết các biện pháp cấp bách để khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Yên Định xem xét, quyết định công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Định Long.
Đồng thời trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh hoặc lợn đã chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có nguồn gốc suất xứ, nhiễm bệnh theo đúng quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình, các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, tổng hợp kịp thời diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Phối hợp với đơn vị liên quan để tham mưu thành lập các chốt kiểm dịch, trạm kiểm dịch hoặc đội kiểm tra lưu động động vật liên ngành tạm thời trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nhằm kiểm soát chặt chẽ 24/24h đối với lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn tỉnh, nhất là các vùng có dịch.
Công điện cũng nêu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống dịch.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), đến nay đã có 20 quốc gia xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi và đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.
Tại Việt Nam, trước Thanh Hóa, dịch đã xuất hiện tại 3 tỉnh, thành phố Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hoài An (T/h)