Kiên Giang chủ động ứng phó dịch tả lợn châu Phi

Y tế - Ngày đăng : 03:39, 20/03/2019

Moitruong.net.vn – Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ xâm nhiễm vào các tỉnh phía Nam, tỉnh Kiên Giang đang tiến hành các biện pháp chủ động ngăn chặn, sẵn sàng ứng phó kịp thời để đảm bảo mục tiêu giảm thiểu thấp nhất nguy cơ nhiễm bệnh xảy ra.

Theo Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện tại, đàn lợn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có hơn 340.000 con. Trong đó, 31 trại chăn nuôi theo quy mô lớn khoảng 36.000 con, còn lại chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Để chủ động phòng chống bệnh, ngành thú y tỉnh Kiên Giang đã chuẩn bị 100.000 lít hóa chất bencoxit và 10 tấn vôi bột để cấp phát cho người chăn nuôi, triển khai tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng lần thứ 2 trong toàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào vùng trọng điểm, nguy cơ cao. Đồng thời, tích cực vận động người chăn nuôi, buôn bán thực hiện nghiêm túc “5 không” theo quy định.

Ảnh minh họa

Hiện nay, giá lợn hơi tại tỉnh Kiên Giang dao động từ 50.000-53.000 đồng /kg, cao hơn so với khu vực miền Bắc, miền Trung từ 8.000-10.000 đồng/kg. Do giá  chênh lệch lớn nên Kiên Giang lo ngại tình trạng lợn nhập vào tỉnh một cách ồ ạt, các ngành chức năng đã thành lập các chốt kiểm dịch ở các nút thắt giao thông. Giữa các chốt đều có phối hợp kiểm tra đầu vào-đầu ra chặt chẽ, nhất là kiểm tra đàn vật nuôi trước khi nhập ra các đảo.

Theo thống kê, bình quân mỗi tháng Kiên Giang nhập khoảng 5.000 con lợn. Qua kiểm tra đều có giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là công tác kiểm soát dịch bệnh ở các xã đảo, nhất là ở huyện đảo Phú Quốc vì gần như thịt lợn nhập 100% từ đất liền bằng nhiều con đường từ hàng không, đến tàu biển… nên rất khó kiểm soát.

Do dịch tả lợn châu Phi hiện nay chưa có vắc xin hay thuốc để phòng trị, khi lợn đã nhiễm bệnh, tỷ lệ chết 100% vì vậy công tác phòng chống được đặt lên hàng đầu. Chi cục thú y tỉnh đã thành lập 5 tổ kiểm dịch lưu động tại các đầu mối giao thông để kiểm soát ngăn chặn vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn; thành lập 2 tổ ứng phó nhanh nhằm đôn đốc, giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh trên các địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Mai Anh Nhịn, mặc dù Kiên Giang chưa xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhưng các địa phương cần chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Các sở, ngành, địa phương căn cứ các giải pháp trong kế hoạch hành động ứng phó với dịch tả lợn châu Phi của UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện tốt tại địa phương.

Chi Cục chăn nuôi- thú y tỉnh phối hợp với các địa đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp Sở Thông tin và truyền thông cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh trên các kênh truyền thông… Phòng kinh tế nông nghiệp các huyện, thành phố rà soát số trang trại nuôi heo trên địa bàn để tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại nuôi heo trên địa bàn để tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi ; dự trù kinh phí cấp hóa chất tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Khi có dịch bệnh xảy ra các địa phương kiên quyết tiêu hủy toàn bộ heo nhiễm bệnh, không để dịch lây lan trên diện rộng, hỗ trợ người chăn nuôi heo theo chính sách hiện hành.

Quốc Tuấn

Quốc Tuấn