Kiên Giang: Tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản

Y tế - Ngày đăng : 06:52, 13/03/2019

Moitruong.net.vn – Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 206 yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố; đặc biệt, bệnh Dịch tả lợn (heo) Châu Phi đã xuất hiện, buộc phải tiêu hủy nhiều heo nuôi nhiễm bệnh tại Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương và có nguy cơ cao lây lan, phát sinh ở các địa phương khác, làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi và tâm lý người tiêu dùng. Riêng đối với nuôi tôm nước lợ, hiện đang vào thời điểm thả nuôi chính vụ của tỉnh trên diện tích 126.000 ha theo kế hoạch năm 2019. Nhiều diện tích tôm giai đoạn khoảng 30-60 ngày tuổi rất mẫn cảm với dịch bệnh, đã xảy ra thiệt hại do bệnh Đốm trắng, Hoại tử gan tụy cấp và môi trường tại các vùng nuôi.

Đồng thời, trong thời gian tới, dự báo thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi đối với sức đề kháng của gia súc, gia cầm và thủy sản; bên cạnh đó hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ; khả năng phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế; việc buôn bán, vận chuyển giống thủy sản, động vật, sản phẩm động vật chưa đảm bảo quy định về vệ sinh thú y; việc di chuyển của khách du lịch trong, ngoài nước đến tỉnh Kiên Giang,… dẫn đến nguy cơ xâm nhiễm, phát sinh, lây lan dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và thủy sản trong thời gian tới là rất lớn.

Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Công điện khẩn số 1237/CĐ-BNN-TY ngày 22/02/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường kiểm soát buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Tập trung công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; phổ biến, hướng dẫn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và liên kết chuỗi trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt II trên phạm vi toàn tỉnh, tập trung nơi nguy cơ cao.

Duy trì, củng cố hệ thống thú y cơ sở, liên kết các đơn vị chức năng liên quan để phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý đứt điểm ổ địch; lấy mẫu xét nghiệm, xác định chính xác tác nhân gây bệnh; phối hợp chính quyền xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch hoặc làm phát tán mầm bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại.

Đẩy mạnh công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển, phối hợp các ngành liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển heo và gia cầm để kịp thời phát hiện dịch bệnh; nếu phát hiện heo bệnh, nghi bệnh, chết,… thì lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng cẩn thận sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ, nơi tập trung động vật vận chuyển, phương tiện vận chuyển đúng quy định để tiêu diệt mầm bệnh.

Phối hợp đơn vị chức năng cửa khẩu ngăn chặn triệt để nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, kể cả quà tặng của dân biên giới và thức ăn đã được chế biến từ heo.

Khẩn trương tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn (heo) Châu Phi; kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tỉnh. Phối hợp Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn (heo) Châu Phỉ, trình UBND tỉnh.

Đối với nuôi tôm nước lợ cần thực hiện tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 4717/TCTS-NTTS ngày 20/12/2018 của Tổng cục Thủy sản về việc thực hiện khung lịch mùa vụ thả giống nước lợ năm 2019, tập trung tăng cường tọa đàm, tập huân, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi tôm ở những vùng nuôi trọng điểm, vùng mới chuyển đổi, vùng tái sản xuất sau thiệt hại do môi trường, dịch bệnh. Chỉ đạo lực lượng khuyến nông, chăn nuôi thú y và cán bộ phụ trách nông nghiệp tích cực xuống cơ sở để hỗ trợ người nuôi; phát hiện sớm, xác định chính xác dịch bệnh, chống dịch hiệu quả. Lưu ý tình hình nuôi tôm càng xanh ở vùng U Minh Thượng và huyện Gò Quao đang có xu hướng gia tăng; tình trạng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp khỉ có dịch bệnh không chủ động báo cáo, phối hợp xử lý.

Tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh, kịp thời thông báo, khuyến cáo sâu, rộng đến chính quyền địa phương và người dân chủ động ứng phó trong sản xuất; triển khai tốt công tác hỗ trợ xét nghiệm miễn phí chất lượng tôm giống và hỗ trợ chống dập dịch khi mới phát sinh. Chủ động vật tư, hóa chất, kinh phí để triển khai các biện pháp chống kịp thời khi xảy ra dịch bệnh. Tổ chức thanh tra, kiểm dịch chặt chẽ chất lượng, nhãn hàng hóa đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển tôm giống trong quá trinh sản xuất, lưu thông; thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ đã ký kết với các tỉnh.

Chỉ đạo thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để vi phạm đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh vật tư đầu vào sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Thú y, Luật Thủy sản hiện hành. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu và xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trong sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm.

Sở Công Thương; Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động hoặc phối hợp theo kế hoạch của ngành nông nghiệp nhằm ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh; thanh tra, kiểm tra chặt chẽ việc kinh doanh, lưu thông tôm giống; kiểm tra, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư, thuốc thú y nuôi trồng thủy sản giả, kém chất lượng, hóa chất kháng sinh cấm, vi phạm về nhãn mác, công bố chất lượng…

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Cục Hảỉ quan tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn lối mở khu vực biên giới, ngăn chặn triệt để nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, kể cả quà tặng của cư dân biên giới, thực phẩm đã qua chế biến của khách du lịch đến từ vùng, quốc gia có dịch bệnh nguy hiểm trên động vật.

Chủ động nắm bắt tình hình, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu giống thủy sản trên tuyến biên giới.

Sở Tài chính tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật; đảm bảo đáp ứng đủ và kịp thời hỗ trợ khôi phục sản xuất khi có dịch bệnh.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyên hình tỉnh, đài truyền thanh các huyện, thành phố chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp tuyên truyền về mức độ nguy hiểm, biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn (heo) Châu Phi và chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tránh gây hoang mang trong xã hội. Thông tin, phổ biến rộng rãi các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; khi có dịch bệnh phải khai báo với ngành thú y hoặc chính quyên địa phương, không được giấu dịch, bán chạy, vứt xác động vật bệnh, chết, xả thải chưa qua xử lý hoặc các hành động khác làm lây lan dịch bệnh; thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản; dự báo tình hình khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn,… giúp nông dân chủ động sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nhằm phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn (heo) Châu Phi trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời chủ động ứng phó vói dịch bệnh trên động vật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành tốt quy hoạch nuôi tôm, thời vụ nuôi và ứng dụng kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường; khi phát hiện thủy sản bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, phải báo cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương, không dấu dịch, xả thải mầm bệnh ra môi trường. Kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh, xả thải thủy sản, nước nuôi thủy sản nhiễm bệnh làm lây lan dịch bệnh theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ, quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Trường hợp có dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản phải chủ động áp dụng đồng bộ, khẩn trương các biện pháp và huy động lực lượng để chống dịch; thành lập chốt kiểm dịch tạm thời kiểm soát chặt chẽ khu vực có dịch, bao vây, dập tắt không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; hỗ trợ kịp thời theo quy định để khôi phục sản xuất; đối với tôm nuôi, xem xét chuyển đổi cơ cấu sản xuất nếu vùng nuôi tôm liên tục gặp rủi ro, dịch bệnh, kém hiệu quả.

Các huyện chưa có hệ thống cơ sở giết mổ tập trung, cần khẩn trương xúc tiến xây dựng và đưa vào hoạt động; các huyện đã có cơ sở giết mổ cần chấn chỉnh, nâng cấp, đảm bảo yêu cầu theo Thông tư số 45/2014/TT- BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đưa vào hoạt động nhằm kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

Trương Anh Sáng

Trương Anh Sáng