Sốt xuất huyết bùng phát mạnh trên cả nước với 71.000 ca nhiễm bệnh
Y tế - Ngày đăng : 12:30, 10/07/2019
Theo quy luật thông thường từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) mới xuất hiện và đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, đến thời điểm này, do thời tiết bất thường, dịch bệnh sốt xuất huyết lan nhanh trên cả nước.
Số ca mắc tăng từng ngày
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận khoảng 71.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018.
Tại phía Bắc, dịch sốt xuất huyết diễn biến rất phức tạp và đang có dấu hiệu lan nhanh, nhất là các địa phương phía Tây Hà Nội. Còn ở Hà Nội, từ đầu năm đến nay, có hơn 1.500 ca mắc tại 30 quận, huyện. Chỉ riêng tuần qua, ghi nhận thêm 162 trường hợp mắc mới. Số ca mắc đang tăng nhanh từng ngày.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, một trong những địa phương đang bị dịch sốt xuất huyết hoành hành là Quảng Trị. Riêng huyện miền núi Hướng Hóa, nơi giáp biên giới với Lào, xuất hiện hơn 400 trường hợp mắc SXH.
Trong khi đó, sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh ở 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam, với gần 50.000 người mắc, cao hơn 139% so với cùng kỳ năm 2018 (20.707 người). Trong đó, TP HCM là nơi phát hiện nhiều ca mắc nhất, tiếp theo là các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai… Ở TP HCM, 6 tháng qua, có 24.768 ca mắc, tăng 176% so với cùng kỳ năm ngoái (8.959 ca). Còn tại Bình Phước ghi nhận hơn 1.700 ca, tăng 142%.
13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng đang đối mắt với dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng đột biến. Tính đến ngày 30-6, tỉnh Kiên Giang đã có hơn 1.000 ca nhiễm sốt xuất huyết, đứng thứ 10/20 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Trong đó, địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất là huyện đảo Phú Quốc với 510 ca, chủ yếu tập trung ở thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới.
Trẻ bị sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện. Ảnh Vân Du
Ở Cà Mau, dù chưa có báo cáo chính thức nhưng theo Sở Y tế tỉnh này, lượng bệnh nhân SXH tăng mạnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Bác sĩ Lê Mộng Thúy, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện (BV) Sản – Nhi Cà Mau, thông tin từ đầu năm đến nay, BV tiếp nhận điều trị 91 ca, tăng 313,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Bạc Liêu là một trong những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết không nhiều nhưng tình hình cũng đang chuyển biến phức tạp. Trong tổng số 220 ca mắc ở tỉnh này, đa phần là số nhiễm mới trong tháng 6, đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu là trẻ em.
Diễn biến bệnh rất phức tạp
Theo đánh giá chung của Bộ Y tế, diễn biến bệnh SXH là rất phức tạp, nhiều ca phải nằm điều trị dài ngày. Tính đến nay cả nước đã có 6 trường hợp tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, các địa phương, ngành y tế gấp rút triển khai chiến dịch phòng, chống; kêu gọi người dân không được chủ quan. Ngay sau khi nắm tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn, UBND huyện Hướng Hóa triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng chống SXH trên toàn địa bàn. Chiến dịch kéo dài từ ngày 7-7 đến 7-8, huy động toàn ngành y tế, địa phương cùng nhân dân tham gia.
Sốt xuất huyết đang lan nhanh ở nhiều tỉnh thành
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường sống là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh sốt xuất huyết.
Về phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần thực hiện diệt lăng quăng ngay tại chính nơi ở, nơi làm việc của mỗi người, mỗi nhà, cơ quan, đơn vị. Điều đáng lo ngại, một bộ phận người dân chưa ý thức, thiếu hợp tác với chính quyền và ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch, nhất là chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy).
Phun thuốc diệt muỗi góp phần giảm thiểu tác nhân lây truyền sốt xuất huyết.
– Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Thả cá vào các hồ/ bể chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Lau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
– Phòng chống muỗi đốt:
- Mặc quần áo dài tay.
- Ngủ trong mùng kể cả ban ngày.
- Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Mỗi năm, vào mùa mưa ẩm ướt là dịch sốt xuất huyết lại bùng phát, thậm chí số ca mắc bệnh còn có xu hướng gia tăng. Hiểu đầy đủ kiến thức về căn bệnh này là cách để phòng bệnh tốt nhất.
Mai Dung (t/h)