Thời điểm thuận lợi nào để bệnh sốt xuất huyết phát triển thành dịch?

Y tế - Ngày đăng : 07:00, 17/07/2019

Moitruong.net.vn – Bước vào giai đoạn cao điểm mùa mưa, thời tiết, khí hậu thuận lợi cho muỗi phát triển nên tình hình bệnh sốt xuất huyết sẽ diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Bệnh sốt xuất huyết lưu hành ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi sinh sống của các loài muỗi Aedes. Ở Châu Á, bệnh lưu hành ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. Bệnh gặp cả ở vùng thành thị, nông thôn và ngay cả miền núi, tuy nhiên tập trung cao nhất ở các khu vực có mật độ dân cư đông, tình trạng đô thị hóa cao. Việt Nam được coi là vùng dịch lưu hành địa phương, chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ.

Bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình tháng cao; ở miền Nam gần như quanh năm, ở miền Bắc từ tháng 7 tới tháng 11. Chu kỳ của dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue khoảng 3 – 5 năm. Thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ và vừa lại có một chu kỳ dịch lớn xảy ra.

Muỗi chỉ đốt người vào ban ngày chứ không phải ban đêm. Thời kỳ cao điểm đốt người của nó là vào buổi sáng sớm và chiều tà, có thể đốt nhiều lần trong ngày nếu chưa no máu. Người dân Việt Nam thường chỉ có thói quen dùng màn vào ban đêm nên dù ban ngày ban vẫn bị muỗi vằn đốt và mắc bệnh.

Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chỉ thích nước sạch và đốt ban ngày

Những người sống trong khu vực lưu hành địa phương của sốt xuất huyết Dengue đều có thể mắc bệnh hoặc nhiễm vi rút lành. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên tỷ lệ mắc bệnh rất khác nhau giữa các nhóm dân cư. Nhóm người có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết là trẻ em, người di cư hay du lịch đến từ vùng không lưu hành sốt xuất huyết, người dân sinh sống tại các khu đang đô thị hóa, đời sống kinh tế thấp kém, vùng có tập quán trữ nước và sử dụng nước không được kiểm soát, vùng có mật độ muỗi Aedes aegypti thường xuyên cao.

Muỗi trưởng thành thường đẻ trứng ở bất kỳ dụng cụ chứa nước nào có thể tích trữ nước đến 7 ngày đều có thể là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Những dụng cụ chứa nước như: chum vại, bể, chai lọ, vỏ dừa, lốp ô tô cũ, phuy chứa nước, dụng cụ chứa nước bằng nhựa, bát kê chân tủ đựng thức ăn trong bếp, bể chứa nước trong nhà tắm, bể chứa nước không có nắp đậy, giếng nước cạn, khay nước của tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, lọ hoa ở trong nhà, dụng cụ chứa nước quanh nhà những nơi râm mát.

Người là ổ chứa và là nguồn truyền nhiễm chủ yếu của bệnh sốt xuất huyết trong chu trình “người-muỗi Aedes aegypti” ở khu vực thành thị và nông thôn. Ngoài bệnh nhân, người mang vi rút dengue không triệu chứng cũng có vai trò truyền bệnh quan trọng.

Trong ổ dịch sốt xuất huyết cứ 1 trường hợp bệnh điển hình có hàng chục trường hợp mang vi rút tiềm ẩn, không có triệu chứng. Thời gian ủ bệnh: Từ 3 -14 ngày, thông thường từ 5 – 7 ngày.

Thời kỳ lây truyền: Bệnh nhân sốt xuất huyết là nguồn lây truyền ngay trước khi xuất hiện cơn sốt cho tới khi hết sốt, trung bình khoảng 6 – 7 ngày. Người mang vi rút không triệu chứng thường có thời kỳ lây truyền ngắn hơn. Muỗi Aedes aegypti nhiễm vi rút từ 6 – 12 ngày sau khi hút máu và có khả năng truyền bệnh suốt đời.

Theo quy luật phát triển của dịch sốt xuất huyết, hiện nay đang là thời gian đỉnh dịch, tức là dịch phát triển mạnh. Bạn cần áp dụng các phương pháp phòng dịch đơn giản và hiệu quả như: Nằm màn khi ngủ cả ngày và đêm để tránh bị muỗi đốt; thau rửa và loại bỏ các dụng cụ đựng nước đọng trong và ngoài nhà để loại trừ muỗi. Khi có triệu chứng nghi ngờ bị lây sốt xuất huyết, cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, tránh các biến chứng và hậu quả đáng tiếc.

Vì thế, để ngăn chặn được sốt xuất huyết, tại mỗi gia đình cần chủ động dọn dẹp, không để các vật dụng chứa nước khiến muỗi có môi trường đẻ trứng.

Ngọc Linh (t/h)

Ngọc Linh (t/h)