Dịch tả lợn châu Phi lây lan chóng mặt, 3,3 triệu con lợn đã bị tiêu hủy
Y tế - Ngày đăng : 13:19, 12/07/2019
Tại hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 11-7, tại Hà Nội.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn đầu dịch tả lợn châu Phi đã được ghi nhận lây lan tại 62 tỉnh, thành phố, chủ yếu phát sinh trong phạm vi nhỏ lẻ, Ninh Thuận là tỉnh duy nhất chưa bị dịch tả lợn châu Phi tấn công. Đến nay, đã có 733 xã, thuộc 202 huyện của 40 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, dịch tả lợn châu Phi đã trải qua 160 ngày được phát hiện chính thức tại Việt Nam, tính từ khi ổ dịch đầu tiên được giám định tại Hưng Yên.
Bộ NN&PTNT ghi nhận, trong suốt nhiều năm qua, chưa có một loại dịch nào gây tác hại lớn, khó khăn và vất vả cho việc phòng, chống dịch như dịch tả lợn châu Phi vừa qua.
Đã có 3,3 triệu con lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra rất nặng nề, khi ổ dịch bùng phát chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, liên quan trực tiếp đến sinh kế của người nông dân. Bên cạnh đó, khoản kinh phí các địa phương chi cho công tác phòng chống dịch là rất lớn, số kinh phí này vượt quá ngân sách dự phòng của nhiều địa phương.
Tuy nhiên, qua tổng kết từ thực tiễn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học hiện là vũ khí duy nhất để giúp các hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi lớn phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi trong thời điểm này.
Bởi theo khảo sát, dịch chủ yếu xảy ra ở các nông hộ nhỏ lẻ, quản lý, kiểm soát kém, còn đối với các sơ sở chăn nuôi công nghiệp kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào, sử dụng các chế phẩm sinh học khử trùng tiêu độc, vẫn an toàn trước dịch bệnh.
“Không còn con đường nào khác, ngành chăn nuôi lợn phải sống chung với virus dịch tả lợn châu Phi để tính toán các bước phát triển trong tương lai, dịch bệnh này không quá đáng sợ nếu nắm vững và áp dụng đúng các nguyên lý phòng ngừa”- lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho hay.
Bộ chỉ đạo ngành Chăn nuôi xây dựng kế hoạch tái đàn lợn vào cuối năm nay, nhằm bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tái đàn chỉ được thực hiện ở những cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Mai Dung (t/h)