Việt Nam khống chế thành công tốc độ tăng dân số

Y tế - Ngày đăng : 08:31, 26/07/2019

Moitruong.net.vn – Trung bình một phụ nữ trong độ tuổi sinh nở đẻ 2,1 con, đạt mức sinh thay thế, theo Tổng Cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình.

Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng Cục trưởng Tổng Cục trưởng Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, sau 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (Cai-rô, Ai Cập năm 1994) công tác dân số của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, Việt Nam có hơn 96,2 triệu người, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm trong 10 năm qua là 1,14%. Trong khi đó mục tiêu của Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ tăng dân số phải duy trì khoảng 1% đến năm 2020. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 1999-2009 là 1,18% một năm.

“Tỷ lệ tăng được duy trì khoảng 1% bảo đảm ổn định mức tăng dân số đến năm 2020”, ông Tú nói. Ngoài ra, Việt Nam đã đạt và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2006 đến nay, với số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khoảng 2,1 con

Một số tỉnh có mức sinh thay thế giảm, có một số vùng “lõm” những năm qua hạ thấp xuống từ 1,2 đến 1,3 con/người phụ nữ.

Mức sinh thay thế là trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống. Nghĩa là, mỗi người mẹ sinh được 2 con là đạt mức sinh thay thế. Theo quy luật tự nhiên, trong 2 con sẽ có một con gái để thay thế mẹ thực hiện chức năng sinh đẻ (tái sản xuất dân số). Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi thọ của phụ nữ, tỷ suất chết của trẻ em, tỷ lệ người độc thân, vô sinh… nên mức sinh thay thế của người phụ nữ là hơn 2 con.

Chênh lệch mức sinh giữa các tỉnh, cao nhất là Hà Tĩnh một phụ nữ sinh 3,24 con và tỷ suất thấp nhất là Đồng Tháp 1,36 con. Có 24 tỉnh ở nhóm mức sinh cao (trên 2,3 con cho một phụ nữ), và 16 tỉnh trong nhóm có mức sinh thấp (dưới 1,8 con).

Việt Nam đạt mức sinh thay thế nhưng gặp vấn đề về chênh lệch mức sinh ở các địa phương và chênh lệch giới tính khi sinh.

Để khắc phục tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030. Theo đó, tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, nhóm có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Ngoài chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền, mật độ dân số phân bố vẫn có sự chênh lệch lớn, nhất là ở Hà Nội và TP HCM. Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy Việt Nam có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và khu vực. Cụ thể, mật độ dân số Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Hà Nội và TP HCM là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.

Tốc độ đô thị hóa và phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất tác động trực tiếp đến quá trình tăng mật độ dân số và di cư. Tổng Cục Dân số cho rằng một trong những giải pháp can thiệp là nâng cao chất lượng quy hoạch các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, chuẩn bị điều kiện để dân cư được phân bố tương ứng, phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Theo ông Tú, các địa phương cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người di cư được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản và sinh sống ổn định, lâu dài.

Mật độ dân số quá đông ở Hà Nội dẫn đến nhiều vấn đề xã hội như kẹt xe, an sinh… Ảnh: Ngọc Thành.

Chất lượng dân số ở nước ta hiện nay được cải thiện về nhiều mặt. Kết quả giảm sinh đã làm giảm đáng kể sức ép số lượng học sinh các cấp. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện. Người dân tộc thiểu số, nhóm dân cư yếu thế được Nhà nước chăm lo, hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.

Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Trong 30 năm chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng được 3 cm. Đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3 cm, đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ.

Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng dẫn tới mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền và đối tượng. Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh vẫn tăng và có dấu hiệu ngày càng lan rộng. Thời kỳ dân số vàng đan xen già hóa dân số với tốc độ rất nhanh dẫn đến tình trạng không tận dụng triệt để nguồn lao động vàng.

Ðể giải quyết những thách thức đó, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú, trong thời gian tới, công tác dân số cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động ICPD và đặc biệt tập trung vào duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số một cách chủ động; phân bố dân số hợp lý; từng bước nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Tú Anh (t/h)

Tú Anh (t/h)