Xuất hiện các chủng sốt rét kháng thuốc ở Đông Nam Á
Y tế - Ngày đăng : 04:30, 25/07/2019
Ngày 22/7, các nhà khoa học cảnh báo các chủng sốt rét kháng hai loại thuốc chống sốt rét chính đang gây ảnh hưởng lớn ở các nước Đông – Nam Á bao gồm: Việt Nam, Lào và phía bắc Thái Lan sau khi lây lan nhanh từ Campuchia.
Thông tin do các nhà khoa học cảnh báo hôm thứ Hai (22.7). Sử dụng giám sát bộ gen để theo dõi sự lây lan của sốt rét kháng thuốc, các nhà khoa học nhận thấy chủng KEL1/PLA1 đã tiến hóa và có đột biến gen mới khiến chủng này kháng thuốc hơn.
“Chúng tôi phát hiện nó đã lây lan mạnh mẽ, thay thế ký sinh trùng sốt rét địa phương và trở thành chủng có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam, Lào và đông bắc Thái Lan” – ông Roberto Amato – chuyên gia trong nhóm làm việc từ Viện Wellcome Sanger và Đại học Oxford của Anh và Đại học Mahidol của Thái Lan cho biết.
Chuyên gia cảnh báo về sốt rét đa kháng thuốc ở Đông Nam Á. Ảnh: Reuters
Khoảng 220 triệu người bị nhiễm sốt rét năm 2017, theo ước tính của WHO và khoảng 400.000 người đã thiệt mạng vì dịch bệnh này. Phần lớn các trường hợp tử vong là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở cận Sahara Châu Phi.
Sốt rét có thể điều trị thành công bằng thuốc nếu phát hiện sớm nhưng khả năng kháng thuốc chống sốt rét đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Phương pháp điều trị cơ bản với bệnh sốt rét tại nhiều nước Châu Á trong thập kỷ qua là kết hợp dihydroartemisinin và piperaquine, còn được gọi là DHA-PPQ.
Trong các nghiên cứu trước, các nhà nghiên cứu nhận thấy một chủng sốt rét phát triển và lây lan khắp Campuchia trong giai đoạn 2007-2013. Nghiên cứu mới nhất công bố trên tạp chí The Lancet Ininfious Disaches cho thấy sốt rét đã lây lan rộng hơn và trở nên nguy hiểm hơn.
“Tốc độ mà các ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc lây lan ở Đông Nam Á là rất đáng lo ngại” – chuyên gia Olivo Mioto – thành viên trong nhóm nghiên cứu chia sẻ. Ông cho hay, các loại thuốc khác có thể có hiệu quả vào thời điểm hiện tại nhưng về lâu dài cần có hành động khẩn để tìm ra phương pháp mới.
Hạnh Trang (T/h)