Giá giường dịch vụ bệnh viện 4 triệu đồng/ngày ngang với khách sạn hạng sang: Bộ Y tế nói gì?

Y tế - Ngày đăng : 12:30, 13/08/2019

Moitruong.net.vn – Bộ Y tế sắp ra thông tư cho phép áp dụng mức giá giường bệnh loại dịch vụ đến 4 triệu đồng mỗi ngày đêm kể từ đầu tháng 10. Mức giá 4 triệu đồng/ngày/giường bệnh, được cho là đắt ngang với khách sạn hạng sang.

Chiều ngày 12/8, ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Dự thảo thông tư giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập đang được rà soát lần cuối trước khi ban hành, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/10.

Giá dịch vụ y tế tại các bệnh viện công sẽ được điều chỉnh tăng từ thời điểm trên. Đặc biệt, giá giường theo dạng dịch vụ được phân cấp dựa vào hạng bệnh viện và loại phòng bệnh. Giá ngày giường điều trị theo yêu cầu tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 cao nhất là 4 triệu đồng/ngày cho loại phòng có một giường. Phòng 2 giường một phòng giá 2,5 triệu đồng mỗi ngày, phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng và phòng 4 giường 1,3 triệu đồng/ngày.

Với mức giá dự thảo gây ra nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng ngang hàng với giá khách sạn hạng sang.

Theo ông Liên, giá này hoàn toàn có lý và có thể thực hiện được ở các bệnh viện công lập. Các bệnh viện công của Bộ Y tế chuyên môn rất tốt, đều là các giáo sư, bác sĩ đầu ngành.

Trên thực tế, nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh có chất lượng dịch vụ cao, đòi hỏi được chăm sóc toàn diện (dịch vụ theo yêu cầu) là rất lớn. Bệnh viện phải có hình thức cung cấp dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân. Điều này đang rất phổ biến và đây chính là cách bệnh viện công để lãng phí nhân tài.

Hiện nay nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chất lượng cao rất lớn. Ảnh minh họa

“Phòng một giường bệnh, có thêm giường nằm cho người nhà, khu vực tiếp khách… không khác gì một phòng khách sạn hạng sang, lại được chăm sóc y tế 24/24 trong khi phòng khách sạn chỉ để nghỉ ngơi, ngủ rồi lại đi chơi, đi họp”, ông Nam Liên chia sẻ. Chưa kể, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, có nhu cầu điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân từ ăn uống, chăm sóc theo bệnh lý, tắm giặt, người nhà chỉ cần vào thăm nom.

Nhiều bệnh viện tư hiện nay đã áp dụng giá phòng từ vài ba triệu đến cả chục triệu đồng. Bệnh nhân nằm điều trị tại đây nhưng có thể mời chuyên gia cao cấp từ các bệnh viện khác đến khám hay phẫu thuật, điều trị.

“Vậy tại sao ta không có cơ chế cho bệnh viện công thực hiện dịch vụ cao cấp ngay tại bệnh viện”, ông Nam Liên nói.

Còn đối với các phòng bệnh cho bệnh nhân, họ không có nhu cầu sử dụng theo yêu cầu mà theo gói BHYT thì vẫn được đáp ứng. Ông Liên cho biết, phương châm của Bộ Y tế là khuyến khích các bệnh viện xã hội hóa, hợp tác công tư để xây dựng các bệnh viện khách sạn phục vụ nhu cầu của bệnh nhân có tiền.

Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định, Thông tư dự kiến sẽ ban hành tới đây là cơ sở hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám bệnh chữa bệnh theo nhu cầu của cơ sở y tế công lập chứ không phải áp mức giá cụ thể để thực hiện. Bộ Y tế sẽ có cơ chế giám sát chặt chẽ và các bệnh viện phải đủ điều kiện mới được triển khai dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra tài chính, cơ quan kiểm toán sẽ tham gia giám sát và tính giá giường bệnh theo yêu cầu. Nếu các bệnh viện làm sai, những cơ quan này sẽ giúp các bệnh viện điều chỉnh, không để xảy ra tình trạng giá tiền một đằng, chất lượng một nẻo.

Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm người Việt chi hơn 2 tỷ USD ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Mặt khác, ngày càng nhiều người tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại, được chi trả với mức cao nên cần có các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh chất lượng cao.

Hiện Việt Nam có 4 bệnh viện được tự chủ tài chính hoàn toàn gồm: Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy. Bộ Y tế cho rằng thông tư này khi có hiệu lực sẽ giúp các bệnh viện “cởi trói”, có thêm hướng dẫn để thực hiện dịch vụ y tế cao cấp.

Trang Hạ (t/h)

Trang Hạ (t/h)