Các biện pháp phòng chống bệnh dại
Y tế - Ngày đăng : 02:02, 12/08/2019
Trong những năm gần đây, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định. Số ca tử vong do dại đã giảm liên tiếp trong các năm 2015, 2016, 2017. Tuy nhiên năm 2018, tình hình bệnh dại đột ngột có diễn biến phức tạp với số người tử vong do dại là 103, tăng hơn so với năm 2017 là 29 ca (39%).
Đặc biệt, dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất và hầu hết các trường hợp tử vong là do không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị động vật cắn.
Theo chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tính từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 46 người bị chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (50 ca). Và 46 người chết vì bệnh dại tính từ đầu năm 2019.
Tại Hội nghị tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại các tỉnh trọng điểm miền Bắc Việt Nam – tổ chức ngày 6/8/2019, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khi đã mắc bệnh thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Các trường hợp tử vong do dại thường do thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại, không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó.
Ảnh minh họa
Các biện pháp phòng chống bệnh dại
Tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người và động vật để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.
Ngoài ra, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo trong từng thôn, xóm, xã, phường thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y, ký cam kết thực hiện 5 không: “không nuôi chó, mèo không tiêm phòng dại”, “không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương”, “không nuôi chó thả rông”, “không để chó cắn người”, “không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường”.
Tuyên truyền cho những người có nguy cơ cao tiếp xúc với vi-rút dại, với động vật bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc-xin, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Tiêm vắc-xin dự phòng bệnh dại nhắc lại theo định kỳ cho những người có nguy cơ cao tiếp xúc với vi-rút dại. Áp dụng cho những người do công việc thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc với vi-rút dại và chỉ tiêm nhắc lại 1 liều khi xét nghiệm chuẩn độ kháng thể dại ở mức dưới 0,5UI/ml.
Điều trị dự phòng nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, bao gồm: rửa vết thương, tiêm vắc-xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại nếu có chỉ định.
Cụ thể, xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45 – 700 hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng vi-rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương. Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván.
Đồng thời, chủ động đến các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, trung tâm y tế huyện, thành phố để được tư vấn, tiêm ngừa càng sớm càng tốt khi bị con vật nghi dại cào, cắn… hay có tiếp xúc với vi-rút dại. Theo dõi con vật trong thời gian 10 ngày. Nếu trong thời gian này con vật có triệu chứng dại, chết hoặc mất tích phải báo cáo với cơ sở tiêm ngừa để thay đổi thuốc.
Chỉ định dùng vắc-xin và huyết thanh kháng dại trong điều trị dự phòng bệnh dại tùy theo tình trạng động vật, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh, vị trí bị cắn, số lượng, tình trạng vết cắn và tình hình bệnh dại trong vùng.
Ngoài ra, phối hợp với cơ quan thú y, chính quyền địa phương tiến hành: diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch. Thực hiện tiêu hủy động vật bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại, vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng có dịch. Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt.
Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh dại theo quy định. Những con khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp phải được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Những người trực tiếp thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi có ổ dịch phải thực hiện biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Không vận chuyển, đưa chó, mèo ra, vào vùng có dịch.
Tú Anh (T/h)