Phấn đấu mục tiêu 90-90-95 trong phòng chống HIV/AIDS tại Hà Nội

Y tế - Ngày đăng : 06:30, 06/08/2019

Moitruong.net.vn – Thành phố Hà Nội hướng tới mục tiêu mang tên 90 – 90 – 95 tích cực triển khai hoàn thành kế hoạch phòng chống HIV vào năm 2020.

Mục tiêu 90 – 90 – 95 cụ thể là: 90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người biết được tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị kháng HIV (ARV – thuốc điều trị dùng cho những người bị HIV, làm giảm sự phát triển của virus HIV và làm chậm giai đoạn HIV sang AIDS) và 95% số người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền…

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, nếu được phát hiện nhiễm HIV, điều trị ARV sớm, đúng phác đồ và tuân thủ điều trị tốt, người nhiễm HIV vẫn có thể có cuộc sống tình dục lành mạnh mà không làm lây truyền HIV cho bạn tình.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến hết năm 2018, Hà Nội có hơn 21.000 người nhiễm HIV còn sống (chiếm 10% tổng số người nhiễm trên toàn quốc). Riêng trong năm 2018, Hà Nội phát hiện mới khoảng 1.290 trường hợp nhiễm HIV. Đáng chú ý, đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi.

Thuốc ARV nâng cao chất lượng sống cho nhiều bệnh nhân HIV.

Nếu năm 2015, số người nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm hơn 30% trong số người nhiễm HIV mới được phát hiện thì năm 2018 con số này đã tăng lên hơn 60%. Xác định việc giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục đặc biệt có ý nghĩa trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS, từ tháng 5 đến tháng 9/2019, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đã khởi động triển khai chiến dịch K=K – “Không phát hiện = Không lây truyền”.

Thông điệp K=K có vai trò quan trọng, với các bằng chứng khoa học chứng minh rằng “nếu một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu (dưới 200 bản sao/ml máu) thì không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục”, qua đó giúp thay đổi cuộc sống của những người sống chung với HIV.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, lĩnh vực điều trị HIV/AIDS hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu và tiến bộ to lớn. Thuốc kháng HIV (còn được gọi là ARV) đã được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.

Các phác đồ điều trị ARV gồm 3 – 4 thuốc phối hợp, giúp ức chế virus HIV sinh sản, qua đó phục hồi hệ thống miễn dịch của cơ thể, tránh được các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

“Hầu hết mọi người sẽ đạt được tải lượng virus không phát hiện được trong vòng 6 tháng sau khi bắt đầu điều trị ARV. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều người không biết điều này, hoặc vì tâm lý e ngại sự phán xét của cộng đồng nên giấu giếm, không đi xét nghiệm HIV cũng như bắt đầu điều trị ARV khá muộn” – TS Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, “Không phát hiện = Không lây truyền” đã được công nhận bởi hơn 700 tổ chức y tế và cộng đồng từ 95 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, K=K chỉ đạt được khi người có HIV duy trì uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định và định kỳ theo dõi tải lượng virus của mình. K=K chỉ áp dụng cho lây truyền qua đường tình dục, không áp dụng cho lây truyền qua đường máu và từ mẹ sang con.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân về HIV/AIDS còn chưa cao, hiệu quả của các biện pháp dự phòng còn chưa đầy đủ, các hoạt động truyền thông tại cơ sở không được duy trì thường xuyên, mới chỉ tập trung trong tháng chiến dịch. Việc tiếp cận với các đối tượng nhiễm HIV còn gặp nhiều khó khăn do tâm lý mặc cảm, ngại tiếp xúc với người khác. Việc kỳ thị với người nhiễm HIV vẫn còn, đây là rào cản chính làm người có nguy cơ và người nhiễm HIV không muốn tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm, dự phòng lây nhiễm HIV.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp, vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật và tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, tư vấn xét nghiệm; tăng cường can thiệp giảm tác hại cho người nhiễm HIV; mở rộng độ bao phủ của chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Bên cạnh đó, tích cực triển khai Chỉ thị 10 của Bộ Y tế về Tăng cường giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong cơ sở y tế; xây dựng các chính sách, đưa các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tú Anh (T/h)

Tú Anh (T/h)