Tiếp xúc với chất hóa học phổ biến trong đồ nhựa gây béo phì ở trẻ em
Y tế - Ngày đăng : 08:30, 28/08/2019
Bisphenol S (BPS) và bisphenol F (BPF) là các hóa chất sản xuất được sử dụng trong một số loại nhựa, lớp lót của thực phẩm, đồ uống đóng hộp bằng nhôm, và giấy in nhiệt dùng trong việc in hóa đơn thanh toán tiền mặt. Những hóa chất này đã được sử dụng để thay thế cho bisphenol A (BPA)-một hóa chất gây rối loạn nội tiết nổi tiếng gây hại cho sức khỏe con người bằng cách can thiệp vào hormone của cơ thể.
Ảnh minh họa
“Nghiên cứu này rất có ý nghĩa vì việc tiếp xúc với các hóa chất này rất phổ biến ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Việc sử dụng BPS và BPF đang gia tăng do các nhà sản xuất quyết định lấy chúng để thay thế BPA, do vậy, tần suất phơi nhiễm là cao.”, Melanie Jacobson, tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ tại Trường Y khoa NYU ở New York cho biết.
“Mặc dù chế độ ăn kiêng và thiếu luyện tập thể dục vẫn được hiểu là nguyên nhân chính gây nên bệnh béo phì, nghiên cứu này cho thấy phơi nhiễm với các loại hóa chất phổ biến cũng có thể đóng vai trò gây hại, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ”, TS. Melanie Jacobson nói thêm.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã sử dụng dữ liệu từ khảo sát kiểm tra dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ để đánh giá mối liên quan giữa BPA, BPS, BPF và kết quả khối lượng cơ thể ở trẻ em, thanh thiếu niên từ 6 đến 19 tuổi. Trẻ em có lượng BPS và BPF trong nước tiểu cao hơn thì khả năng bị béo phì nhiều hơn.
“Trong một nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã phát hiện ra rằng hóa chất tiền thân của BPS, BPF, BPA – có liên quan đến tỷ lệ béo phì cao hơn ở trẻ em Mỹ và nghiên cứu gần đây đã tìm thấy xu hướng tương tự giữa các phiên bản mới hơn của loại hóa chất này. Các hóa chất tương tự không có tác dụng giảm thiểu tác hại của việc tiếp xúc với hóa chất đối với sức khỏe con người.”, TS. Jacobson nói.
Nghiên cứu nhận được hỗ trợ tài trợ từ Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia.
Thanh Hương (T/h)