Chủ động phòng ngừa bệnh viêm gan vi rút B

Y tế - Ngày đăng : 08:03, 11/09/2019

Moitruong.net.vn – Viêm gan nói chung là tình trạng các tế bào bị tổn thương và viêm nhiễm trong mô gan. Còn đối với viêm gan vi rút B (VGVR B) là bệnh truyền nhiễm quan trọng.

Người mang mầm bệnh là người không thể loại bỏ được vi rút viêm gan B. Người mang mầm bệnh giữ vi rút suốt đời và có thể truyền nó cho người khác.

Một số ít người lớn và nhiều trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm virut viêm gan B sẽ trở thành người mang mầm bệnh. Hầu hết người mang mầm bệnh viêm gan B không có triệu chứng. Một số ít sẽ phát triển bệnh lí gan nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong sớm.

Theo Báo cáo Toàn cầu về Viêm gan vi rút 2017 của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính năm 2015 toàn cầu có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV mạn và 884.400 người tử vong, phần lớn do các biến chứng xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).
HBV lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ lưu hành cao của nhiễm HBV (tỷ lệ nhiễm HBV > 8%) với đường lây chủ yếu là từ mẹ truyền sang con.

Vi rút viêm gan B lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể (máu, tinh dịch hoặc dịch âm đạo) của người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như khi quan hệ tình dục không an toàn hoặc dùng chung bơm kim tiêm. Em bé có thể bị nhiễm bệnh trong khi sinh nếu người mẹ bị nhiễm vi rút viêm gan B. Vi rút viêm gan B cũng có thể lây lan nếu bạn sống với người bị nhiễm bệnh và dùng chung đồ gia dụng có thể tiếp xúc với chất dịch cơ thể, như bàn chải đánh răng hoặc dao cạo râu.

Vi rút viêm gan B không lây lan qua tiếp xúc thông thường với người và vật, bao gồm bắt tay, chia sẻ thức ăn hoặc đồ uống, hoặc ho và hắt hơi. Ngoài ra, vi rút viêm gan B không lây lan khi cho con bú.

Tại Việt Nam, khoảng 40% các trường hợp tử vong do ung thư gan có liên quan đến viêm gan B. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư gan rất thấp vì người dân chủ quan không quan tâm tới sức khỏe của lá gan, sử dụng nhiều đồ uống có cồn. Các loại viêm gan vi rút có thể khiến người bệnh phải điều trị suốt đời, và tốn kém nhiều tiền bạc.
Viêm gan B có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục, từ mẹ truyền sang con. Nếu chồng hoặc vợ bị nhiễm viêm gan B thì sẽ có khả năng lây cho em bé. Tới 90% trẻ sơ sinh nhiễm vi rút viêm gan B sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn. Chính vì vậy, các thành viên trong gia đình nên chủ động phòng bệnh bằng cách:

Đối với vợ/chồng:

Bất kỳ ai chưa có miễn dịch bảo vệ cũng nên tiêm phòng viêm gan B.
Tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B để có biện pháp dự phòng lây truyền sang con.
Không dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo.
Sử dụng dụng cụ y tế đã được vô trùng.
Truyền máu an toàn.
Không tiếp xúc trực tiếp với máu/vết thương hở/chất dịch của người khác nếu không sử dụng dụng cụ bảo vệ.
Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục (trường hợp vợ/chồng đã bị mắc viêm gan vi rút).
Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý: tập thể dục đều đặn, hạn chế bia rượu, tăng cường hoa quả, vitamin và hạn chế các thực phẩm chiên, rán.

Đối với trẻ em:

Tất cả trẻ sơ sinh đều cần tiêm phòng viêm gan B: đúng lịch, đủ số mũi theo khuyến cáo.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm gan vi rút mà không hề hay biết. Hãy kiểm tra và phòng tránh cho người thân bằng cách tầm soát hoặc xét nghiệm máu để loại trừ viêm gan vi rút một cách hiệu quả.
Tú Anh (T/h)