Những nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Y tế - Ngày đăng : 12:00, 19/09/2019

Moitruong.net.vn – Đau thần kinh tọa là tình trạng đau lưng do dây thần kinh tọa bị chèn ép hoặc tổn thương, cơn đau chạy dọc từ phía sau thắt lưng đến mặt sau của bàn chân.

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân đau dây thần kinh tọa chủ yếu là do các tổn thương xảy ra ở phần đĩa đệm hay xương khớp vùng thắt lưng, gây chèn ép lên các dây thần kinh tọa. Trong đó, 6 tác nhân sau được xem là yếu tố gây bệnh chủ yếu:

Ảnh minh họa

Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm là nguyên gây hàng đầu gây đau thần kinh tọa, khi đĩa đệm ở giữa 2 đốt sống vùng thắt lưng gặp tổn thương hay lão hóa, nhân nhầy bên trong sẽ tràn ra ngoài bao xơ, gây chèn ép dây thần kinh tọa khiến người bệnh đau nhức.

Khối u cột sống: Khi cột sống hay các dây thần kinh xuất hiện những khối u bất thường sẽ tạo áp lực đồng thời gây chèn ép các rễ thần kinh cột sống. Nếu hiện tượng này xảy ra ở vùng thắt lưng có thể gây tổn hại đến dây thần kinh tọa.

Hẹp cột sống: Khi cột sống thoái hóa lâu ngày sẽ làm hẹp ống tủy sống, tình trạng này sẽ tạo áp lực lên vùng hông, đặc biệt là hệ thần kinh hông và dây thần kinh tọa. Triệu chứng này thường gặp ở người từ 60 tuổi trở lên

Hội chứng đau cơ tháp chậu hông: Đây là triệu chứng hiếm gặp nhất, hay còn gọi là hội chứng cơ hình quả lê. Cơ này nằm ở phần cột sống thắt lưng, nối với xương đùi, giúp cố định khớp háng và chi phối hoạt động của toàn vùng hông – đùi, nếu cơ bị co thắt sẽ dẫn đến chèn ép dây thần kinh tọa.

Chấn thương cột sống: Chấn thương vùng cột sống thắt lưng có thể do tai nạn, ngã, va đập mạnh làm cột sống bị viêm nhiễm, xương rạn nứt, gãy vỡ, bao xơ đĩa đệm vỡ gây thoát vị đĩa đệm,… tác động lên dây thần kinh tọa.

Một số nguyên nhân khác: Bên cạnh đó, đau dây thần kinh tọa có thể do áp lực khi mang thai, biến chứng từ một số bệnh lý như tiểu đường, táo bón, tim mạch, cảm cúm, sốt rét,…

Biểu hiện đau thần kinh tọa

Người bệnh có cảm giác đau lan từ lưng xuống, lệch sang một bên mông, xuống đùi, khoeo, gót chân. Hoặc ngược lại, đau từ gót chân lên. Bên cạnh đó, tùy từng bệnh nhân có những biểu hiện sau:

Cột sống cứng, bị đau khi chuyển dịch hoặc nghiêng người .

Nhói lưng khi ho, khi hắt xì hơi, khi cười.

Khó cúi người xuống vì đau.

Đau giữa cột sống hay lệch một bên, đau tăng lên khi bị rung người (đi xe qua ổ gà, vấp vào đá).

Nếu đi lại hay đứng nhiều, ngồi nhiều, liên tục trong một ngày, đau có thể tái phát. Đau tăng thì khi chân giẫm mạnh xuống đất, ho mạnh, hắt hơi,…

Nếu tình trạng đau kéo dài có thể thấy teo cơ bên chân đau.

Khi có dấu hiệu đau thần kinh tọa, người bệnh nên tiến hành thăm khám tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Cách điều trị đau thần kinh tọa hiệu quả nhất

Chữa trị đau dây thần kinh tọa có nhiều phương pháp, mỗi phương pháp sẽ đem lại hiệu quả khác nhau. Người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp sau đây, từ đó tham khảo ý kiến bác sĩ, lựa chọn cách phù hợp nhất.

Chườm nóng hoặc lạnh

Có thể giảm đau thần kinh tại nhà bằng cách chườm nóng hoặc lạnh.

Dùng một miếng đệm nóng hoặc túi nước đá chườm lên vị trí đau nhức khoảng 20 phút. Thực hiện liên tục, các lần cách nhau hai giờ. Có thể thử nghiệm hai cách chườm nóng hoặc chưởng lạnh để xem cách nào mang lại sự dễ chịu, thoải mới hơn hoặc xen kẽ giữa hai cách.

Vật lý trị liệu

Mặc dù đau dây thần kinh tọa khiến người bệnh đau nhức khó chịu nhưng hãy cố gắng duy trì hoạt động. Chuyển động có thể giúp giảm đau và viêm.

Áp dụng vật lý trị liệu như kéo nhẹ gân kheo, lưng dưới. Kết hợp với tập yoga hoặc thái cực quyền để ổn định khu vực bị ảnh hưởng và tăng cường hiệu quả điều trị bệnh.

Lưu ý: Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, một số bài tập có thể không được khuyến khích tập. Người bệnh có thể được khuyên nên đi bộ ngắn, nhẹ nhàng.

Tiêm

Trường hợp nghiêm trọng, đau dữ dội người bệnh có thể được tiêm steroid vào cột sống để giảm đau nhah hơn.  Bởi nó sẽ tác động trực đến khu vực xung quanh dây thần kinh tọa

Tú Anh (T/h)

Tú Anh (T/h)