54% khoa gây mê, 80% khoa hồi sức chưa đạt kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện
Y tế - Ngày đăng : 01:00, 01/10/2019
Theo ước tính của WHO, hiện có hơn 1,4 triệu người mắc nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế. Các nước phát triển tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) từ 5-10%, trong khi đó ở các nước đang phát triển tỷ lệ này cao hơn từ 2-20 lần. NKBV đặc biệt là nhiễm khuẩn huyết liên quan đến chăm sóc y tế là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị và sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn.
Tại hội nghị Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa Hồi sức tích cực và khoa Gây mê hồi sức trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức sáng 30-9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã công bố kết quả khảo sát tự đánh giá thực trạng hoạt động liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn của gần 560 bệnh viện trên cả nước.
Nhiễm khuẩn bệnh viện chính là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh
Theo đó, chỉ có hơn 46% khoa Gây mê hồi sức của các bệnh viện có dụng cụ được khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung; vẫn còn hơn 11% khoa không giám sát tuân thủ vệ sinh tay và tuân thủ thực hành; gần 20% khoa Gây mê hồi sức không có khu riêng để xử lý dụng cụ. 11,6% khoa không bố trí phòng để dụng cụ vô khuẩn.
Đặc biệt, hơn 1/4 số khoa Gây mê hồi sức được khảo sát không sử dụng kháng sinh dự phòng cho người bệnh phẫu thuật.
Tại khối khoa Hồi sức tích cực, chưa đến một nửa số khoa khảo sát có biển báo về khu vực cách ly. Gần 30% khoa Hồi sức tích cực có người nhà tham gia chăm sóc. 1/3 số khoa chưa có phòng riêng để đồ vải, dụng cụ sạch, bẩn.
Đặc biệt, 22% khoa Hồi sức tích cực của các bệnh viện không có nhân viên vệ sinh được đào tạo. Con số này tương đương với tỷ lệ các khoa có giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện. Nghĩa là, vẫn còn gần 80% số khoa Hồi sức tích cực không có giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện…
Chính vì thế, cần phải bố trí đủ nhân lực có năng lực chuyên môn, đã được đào tạo và có chứng chỉ về kiểm soát nhiễm khuẩn làm kiểm soát nhiễm khuẩn chuyên trách, bảo đảm nhân viên y tế trực tiếp điều trị và chăm sóc người bệnh phải được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn. Tăng cường giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát NKBV, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cách ly theo đúng hướng dẫn chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn đã ban hành nhằm giảm thiểu tỷ lệ NKBV đến mức thấp nhất.
Đồng thời, áp dụng các biện pháp truyền thông phù hợp để nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn, tăng cường sự tham gia phối hợp của người bệnh, người nhà người bệnh nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị…
Minh Đoàn (t/h)