Bùng phát virus dịch tả lợn châu Phi ở Hungary
Y tế - Ngày đăng : 04:30, 30/09/2019
Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi là loại virus gây bệnh sốt xuất huyết. Lợn một khi đã nhiễm virus này thì tỷ lệ tử vong là 100%. Hiện nay vẫn chưa tìm thấy loại vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, rất may mắn là loại virus này không lây nhiễm sang người. Thế nhưng, dịch bệnh gây ra lại gây thiệt hại rất nặng nề đối với ngành chăn nuôi là nếu không có biện pháp để kiểm soát.
Ảnh minh họa
Không giống như cúm lợn, dịch tả lợn Châu Phi không có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Bệnh tả lợn hiện không thể gây bệnh trên người nhưng có khả năng lây truyền sang các loài vật ruồi, muỗi, chuột, mèo, và gia cầm như gà, vịt. Lợn bị bệnh tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như tai xanh, cúm, sốt thương hàn… Những bệnh này mới chính là tác nhân gây nguy hiểm cho người, bởi khả năng làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt là khi ăn tiết canh, ăn thịt heo nhiễm bệnh nhưng chưa nấu chín kỹ.
Theo thống kê của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, trên thế giới đã có 20 quốc gia báo cáo xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc, cũng là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất của thế giới.
Mới đây, ngày 29/9, Cơ quan an toàn thực phẩm quốc gia Hungary (Nebih) thông báo phát hiện 5 trường hợp nhiễm virus tả lợn châu Phi sau khi xét nghiệm xác những con lợn hoang tìm thấy gần thủ đô Budapest.
Xác những con lợn nhiễm bệnh được tìm thấy trong một khu săn bắn đã bị đóng cửa tại Budakeszi, phía Tây Budapest.
Giới chức thú y Hungary đã yêu cầu tiêu hủy tất cả lợn hoang tại khu vực phát hiện 5 trường hợp nhiễm mới kể trên. Nebih cũng cho biết đã nhận hàng chục mẫu xét nghiệm từ các khu vực ảnh hưởng gần Budapest đồng thời kêu gọi các trang trại chăn nuôi lợn duy trì các biện pháp đề phòng lây lan virus sang đàn gia súc nuôi.
Tổng cộng, từ tháng 4/2018, Hungary đã phát hiện 900 ca nhiễm virus tả lợn châu Phi ở lợn hoang.
Nhật Lệ (T/h)