Khủng hoảng dịch truyền điều trị sốt xuất huyết mùa cao điểm
Y tế - Ngày đăng : 03:00, 27/09/2019
Số liệu thống kê cho thấy chỉ trong 7 tháng đầu năm, cả nước có trên 100.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) với hơn chục trường hợp tử vong.
Hiện các bệnh viện (BV) đang lo lắng dịch cao phân tử (CPT) trọng lượng 200.000 dalton, còn gọi là dung dịch phân tử 6% (HES 200.000 dalton, gọi tắt là dịch CPT 6%) điều trị cho bệnh nhân SXH nặng.
Ngày 26/9, dược sĩ Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết năm 2019 bệnh viện dự kiến được nhà sản xuất cung cấp 1.500 chai dung dịch cao phân tử HES 200/0,5 để chữa trị sốt xuất huyết. Đến nay bệnh viện nhận được 779 chai.
Dịch đặc trị sốt xuất huyết tại kho Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai dự kiến chỉ đáp ứng điều trị trong 2 tuần. Ảnh: Phước Tuấn.
Tình trạng hết dịch cao phân tử đặc trị sốt xuất huyết đang xảy ra trên diện rộng. Tiến sĩ Trần Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi An Giang, cho biết trong kho bệnh viện hiện chỉ còn đủ dịch để điều trị cho khoảng 30 ca sốt xuất huyết nặng. Bệnh viện đang trình Sở Y tế phương án dự kiến chuyển sang dùng loại khác thay thế.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, cho biết bệnh viện đang hỗ trợ một phần cho các bệnh viện tỉnh và đề nghị cấp trên có hướng giải quyết kịp thời bởi từ tháng 9 đến cuối năm là cao điểm dịch bệnh sốt xuất huyết.
Hiện có 6 thuốc có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam còn hiệu lực (trong đó có dịch cao phân tử Refortan), được nhập khẩu theo nhu cầu mà không cần thực hiện việc cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, do đặc thù thị trường nước ngoài, nhu cầu các thuốc trên rất thấp, do đó hiện nguồn cung các thuốc này rất hạn chế.
Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế TP.HCM) khuyến cáo hiện nay bệnh SXH đã vào mùa cao điểm hằng năm. Diễn tiến của bệnh gia tăng nhanh từ tháng 6.
Theo ghi nhận, tổng số ca mắc bệnh SXH (nội và ngoại trú) trong tháng 8 là 7.833 ca, tăng 18% so với tháng 7. Số ca tích lũy trong 8 tháng qua là 39.814 ca, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Cục Quản lý dược, ngay khi nhận được thông tin về nguy cơ thiếu thuốc, Cục đã có công văn chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc; hướng dẫn các cơ sở lập hồ sơ nhập khẩu trong trường hợp nhà sản xuất không thể cung ứng thuốc có số đăng ký tại VN để Cục xem xét, cấp phép nhập khẩu nhằm đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Lê An (t/h)