1/4 số lợn trên thế giới chết do dịch tả châu Phi
Y tế - Ngày đăng : 11:35, 07/11/2019
Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh do vi rút được biết đến từ đầu thế kỷ 20 khi lợn nhà được mang đến Nam Phi đã nhiễm vi rut từ lợn hoang châu Phi. Bệnh lần đầu tiên xâm nhập vào châu Âu năm 1957 và sang Mỹ năm 1971.
Vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tồn tại trong một phạm vi nhiệt độ rộng, có khả năng chống khô và đóng băng, vì vậy, nó có thể được lưu giữ trong thịt chế biến tới vài tháng và trong thịt lợn đông lạnh đến vài năm. Thông thường, bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc xác lợn chết, cũng như qua vết cắn của ve.
Ảnh minh họa
Điều tra của Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới (OIE), cho thấy khoảng 25% tổng số lợn trên thế giới đã chết hoặc bị tiêu hủy vì đại dịch này. Trong đó, khoảng 50% số lợn ở Trung Quốc (440 triệu con hồi năm 2018, chiếm một nửa tổng số lợn toàn cầu) đã chết hoặc bị tiêu hủy. OIE cảnh báo đây mới chỉ là “sự khởi đầu”.
Dịch tả lợn xuất hiện ở Trung Quốc từ tháng 8/2018 và đến nay đã có mặt ở mọi tỉnh thành nước này. Dịch bệnh lây lan nhanh khiến giá thịt lợn tăng vọt trên toàn khu vực châu Á.
Cách duy nhất để chống dịch tả lợn là tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn âm thầm tồn tại hàng tháng trời trong thịt đông lạnh. Lợn hoang cũng là nguồn lây nhiễm.
“Nhiều khả năng dịch sẽ tiếp tục hoành hành ở Đông Á và Đông Âu trong một thời gian dài, đồng thời bùng lên tại một số địa điểm khác trên thế giới”, chuyên gia Dirk Pfeiffer thuộc Đại học Hong Kong nhận định. Đến nay, giới khoa học vẫn chưa phát triển được vaccine chống dịch tả lợn châu Phi. Chuyên gia Linda Dixon thuộc Viện Pirbright ở Anh cho biết đây là loại virus rất phức tạp.
Tú Anh (T/h)