Việt Nam phấn đấu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030
Y tế - Ngày đăng : 01:00, 04/11/2019
Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay bệnh sốt rét hiện lưu hành ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 3 tỷ người sống trong vùng sốt rét lưu hành (SRLH).
Mỗi năm có khoảng 219 triệu người mắc, 435 nghìn người tử vong do sốt rét, trong đó có 61% là trẻ em <5 tuổi, chủ yếu ở Châu Phi chiếm tới 93% tổng số trường hợp tử vong do sốt rét trong năm 2017.
Ảnh minh họa
Trên toàn cầu, khu vực loại trừ đang mở rộng, với nhiều quốc gia không còn lan truyền sốt rét tại chỗ. Năm 2017, 46 quốc gia đã báo cáo ít hơn 10.000 trường hợp sốt rét so với 44 quốc gia trong năm 2016 và 37 quốc gia trong năm 2010. Số lượng quốc gia có ít hơn 100 các trường hợp sốt rét nội địa đã tăng từ 15 quốc gia trong năm 2010 lên 24 quốc gia trong năm 2016 và 26 quốc gia trong năm 2017.
Paraguay đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận đã loại trừ sốt rét vào năm 2018, trong khi Algeria, Argentina và Uzbekistan đã đưa ra yêu cầu chính thức để Tổ chức Y tế Thế giới công nhận. Năm 2017, 2018 Trung Quốc và El Salvador đã báo cáo không có trường hợp bản địa nào.
Về kết quả phòng chống bệnh sốt rét, theo thống kê của ngành Y tế, Việt Nam đã đạt được một số kết quả khả quan.
Theo đó, với hơn 1 triệu trường hợp mắc sốt rét, 4.646 trường hợp tử vong do sốt rét năm 1991, đến năm 2018 chỉ còn 6.870 trường hợp mắc và chỉ có 1 trường hợp tử vong do sốt rét. Nhiều tỉnh, thành phố đã không còn lan truyền bệnh sốt rét…
Thành tích là không thể phủ nhận song thời gian vừa qua trong công tác phòng chống dịch vẫn tồn tại nhiều khó khăn.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bệnh sốt rét gia tăng và diễn biến phức tạp với hàng trăm ca mắc dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác phòng chống. Các ca bệnh sốt rét tập trung tại các huyện Ea Kar, Krông Năng, Buôn Đôn, M Đrắk…
Nói về công tác phòng chống sốt rét tại Việt Nam, ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung ương cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số bệnh nhân sốt rét tăng cao ở một số địa phương gây khó khăn trong công tác phòng, chống.
Cụ thể, bệnh nhân mắc sốt rét chủ yếu do đi rừng, ngủ rẫy, đặc biệt người dân sống trong vùng lưu hành bệnh sốt rét cao, đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nên ngành Y tế rất khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, theo ông Dương, khi mắc sốt rét, người dân không đến trạm y tế khám để được điều trị kịp thời. Cán bộ làm công tác phòng, chống sốt rét tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến việc giám sát, quản lý phòng chống sốt rét tại cơ sở gặp nhiều khó khăn, thách thức.
“Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, muỗi truyền bệnh sốt rét thay đổi tập tính trú đậu và đốt người, nhiều nơi xuất hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, nên công tác phòng, chống càng gặp nhiều khó khăn”, ông Dương nêu.
Cũng theo ông Dương hiện Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét do ký sinh trùng sốt rét P.falciparum năm 2025 và loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm 2030.
Cam kết loại trừ bệnh sốt rét của Việt Nam đã được Thủ tướng khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức tại Myanmar năm 2014. Thủ tướng Việt Nam cũng đóng vai trò là đồng chủ tịch cùng với Thủ tướng Úc của Liên minh các nhà lãnh đạo khu vực châu Á Thái Bình Dương để loại trừ bệnh sốt rét (APLMA).
Trước mắt, để hướng tới thanh toán bệnh vào năm 2030, trong năm 2019, Việt Nam sẽ công nhận loại trừ sốt rét tại 25 tỉnh bao gồm 16 tỉnh miền Bắc, 1 tỉnh miền Trung và 8 tỉnh Miền Nam: Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP. Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, TP. Đà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, TP. Cần Thơ, Hậu Giang.
Nhật Lệ (T/h)